Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng sáng ngày 2/1. Với việc mua vào một lượng ngoại tệ lớn trong năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục gần 80 tỷ USD. Trước đó, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước mua vào 6 tỷ USD ngoại tệ.
"Tuy đưa vào một lượng lớn thanh khoản ra nền kinh tế như vậy, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, chỉ biến động hơn 1,4-2%", ông Lê Minh Hưng nói.
Năm 2019, lạm phát bình quân 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đề ra. Trong đó, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,01%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Ông khẳng định đó là thành công lớn nhất và có yếu tố then chốt trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ.
Trước thông tin Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, giám sát “thao túng tiền tệ”, ông Lê Minh Hưng cũng cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa và không bao giờ có ý định dùng chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá để cạnh tranh không lành mạnh với các đối tác.
Năm 2019, tín dụng tăng trưởng xấp xỉ 14%, cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế. Chất lượng tín dụng theo Thống đốc được cải thiện, thể hiện ở việc tỷ lệ tín dụng trên GDP đã giảm qua các năm.
Trong giai đoạn 2001-2010, tín dụng tăng bình quân khoảng 30% nhưng GDP bình quân 6,82%. Có nghĩa, tỷ lệ tín dụng trên GDP giai đoạn này là 4,4 lần, cá biệt năm 2007 là 5,3 lần. Tỷ lệ tín dụng trên GDP đã giảm dưới 3 lần trong giai đoạn 2006 đến nay và giảm về 2 lần từ năm 2018-2019. Dự kiến, tỷ lệ này trong năm 2020 vẫn dưới 2.
Bên cạnh đó, năm 2019, trước áp lực về lãi suất từ thế giới cũng như trong nước, cơ quan điều hành đã kiểm soát lãi suất, thậm chí còn giảm được lãi cho vay; điều tiết và giảm lãi suất điều hành với khối lượng, liều lượng phù hợp.
Quỳnh Trang