Việc ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giãn nợ được xem là biện pháp ứng cứu dòng tiền kịp thời trong bối cảnh các nguồn lực của doanh nghiệp đang suy kiệt và gián đoạn...
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của ngành.
Theo thống kê, hiện có 52.000 doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ với 18.000 tỷ đồng; 6.650 doanh nghiệp được giảm lãi với trên 126.000 tỷ đồng; 355.000 doanh nghiệp được vay lãi suất mới thấp với gần 179.000 tỷ đồng.
Điển hình là Công ty Golden Gate với hệ thống hơn 300 nhà hàng tại Việt Nam, 15.000 nhân viên hiện đã đóng cửa hoàn toàn vì vậy khó khăn đang chồng chất khó khăn.
Bên cạnh việc chủ động tìm ra nguồn doanh thu thông qua việc phát triển kênh bán hàng online, Golden Gate đã nhận được sự chung tay của các đối tác.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Khối Vận hành Công ty Golden Gate cho biết: “Với dư nợ gần 200 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), chúng tôi đã được cơ cấu thời hạn trả nợ và được giảm lãi suất cho khoản vay này. Ngay khi Thông tư 01 ra đời VietinBank đã có những động thái rất cụ thể để hỗ trợ công ty.”
Hay như tại chuỗi hệ thống cửa hàng bánh ngọt Paris Gâteaux cũng được VietinBank hỗ trợ lãi suất, cơ cấu giãn nợ...
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam chia sẻ: “VietinBank đã cùng chúng tôi lên phương án tháo gỡ khó khăn để giúp đỡ công ty ổn định sản xuất. Việc giải ngân, giảm lãi hay cơ cấu nợ được ngân hàng thực hiện rất bài bản, tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan và thời gian phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, không bị kéo dài so với trước thời điểm có dịch.”
Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, những chính sách của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là gói 300.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp giống như “phao cứu sinh” trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Điều mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm nhất lúc này là nguồn lực hỗ trợ cần nhanh chóng đến tay, càng sớm càng tốt.
Chính vì vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp nhận ngay được sự hỗ trợ như giảm lãi suất mà không cần phải lập hồ sơ chứng minh, một số ngân hàng đã ngay lập tức đưa ra các mức giảm lãi suất tiền vay ở mức khá cao.
Trong đó, Vietcombank đã quyết định giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/9; giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4-30/6.
Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết đợt giảm lãi suất lần này do ngân hàng hoàn toàn chủ động. Trên cơ sở tiêu chí chung về đánh giá những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khách hàng.
Tương tự, HDBank cũng sớm triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2%-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong cả nước kể từ ngày 31/3/2020. Đặc biệt, HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Trong khi đó, Agribank thông báo tăng mức hỗ trợ đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, với các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4, khách hàng là đối tượng của chương trình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được áp dụng lãi suất giảm tối đa lên tới 2,5%/năm.
Lợi nhuận giảm
Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất.
Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đạt hơn 57.000 tỷ đồng và ngân hàng nào cũng có lãi đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu giảm lợi nhuận 40% thì con số đóng góp lên tới gần 23.000 tỷ đồng. Đây đều là nguồn lực rất lớn để các ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn nữa hoặc mở rộng quy mô các gói tín dụng hỗ trợ.
Khi nhóm "Big4" ngân hàng "hy sinh" 40% lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay thì sẽ là một con số rất lớn. Hơn nữa, thị phần cho vay của 4 ngân hàng này đã chiếm phân nửa toàn ngành nên việc hạ mạnh lãi suất của 4 nhà băng có thể tác động mạnh đến mặt bằng lãi suất cho vay của cả hệ thống.
Chính vì vậy, ngay trong quý 1, lợi nhuận một số ngân hàng đã sụt giảm rõ so với cùng kỳ 2019. Điển hình là Vietcombank đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14%; Sacombank sụt giảm 7%, đạt 988 tỷ đồng...
Mặc dù vậy, vẫn có ngân hàng lợi nhuận tăng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019./.
Thúy Hà