Ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD điều nhân trong năm 2020.
Theo ông Phạm Văn Công, năm 2019 là một năm nhiều biến động của ngành điều Việt Nam và thế giới do nửa đầu năm chịu ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng năm 2018. Phải đến giữa năm, tình hình sản xuất kinh doanh mới bắt đầu khởi sắc, đem lại kết quả đáng phấn khởi cho ngành.
Năm 2019 ngành điều Việt Nam không chỉ giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân mà còn ghi một kỷ lục mới là tổng số lượng hạt điều thô nhập khẩu về Việt Nam đạt 1.534.825 tấn với giá nhập khẩu bình quân là 1.333 USD/tấn, tăng 27,54% về lượng và giảm 29,78% về giá bình quân so với năm 2018.
Về xuất khẩu, mặc dù giá xuất khẩu điều nhân bình quân chỉ đạt 7.269 USD/tấn, giảm 20,73% so với 2018 nhưng năm 2019 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu sản phẩm điều (bao gồm điều nhân và điều chế biến sâu) đạt 3,6 tỷ USD. Với kết quả trên, ngành điều đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra từ đầu năm.
"Sau cuộc khủng hoảng năm 2018, số lượng doanh nghiệp thương mại thuần túy hạt điều thô trên thị trường đã giảm, thay vào đó ngành điều bắt đầu thu hút được sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến lớn. Nhờ đó, số lượng hạt điều nhân sơ chế (còn vỏ lụa hoặc không còn vỏ lụa) nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh hơn so với năm 2018 và các năm trước đó. Mặt khác, lượng hàng hóa đưa vào "thị trường không tên" (thường là hàng hóa đưa vào kho ngoại quan) ngày càng tăng.", ông Phạm Văn Công thông tin thêm.
Mặc dù ngành điều đang có tín hiệu phục hồi tích cực, song ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng năm 2020 vẫn là một năm khó đoán định do diễn biến phức tạp của kinh tế quốc tế, xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; những chính sách bảo hộ của các nước liên quan đến cả điều thô và điều nhân cùng những diễn biến trên thị trường hạt điều toàn cầu.
Cụ thể, các nhà rang chiên lớn của Mỹ và châu Âu cho biết tới đây họ sẽ áp đặt thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm thêm dư lượng hoá chất cấm, do siêu thị ngày càng khắt khe hơn về an toàn thực phẩm. EU và một số nước châu Âu sẽ siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa. Thêm vào đó, ngành điều thế giới vẫn chưa có khảo sát, đánh giá mức tăng nhu cầu tiêu dùng trong năm 2020 và những năm tới cũng như chưa hoạch định được giá đầu ra... Những vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhạy bén, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin mới theo kịp thị trường.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD điều nhân trong năm 2020, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chủ trương "giảm lượng, tăng chất" trong nhập khẩu điều thô nhằm nâng cao chất lượng điều nhân và hiệu quả chế biến. Hiệp hội sẽ tích cực tập hợp, động viên những doanh nghiệp chế biến đầu ngành phối hợp và chủ động trong kinh doanh để giúp ngành điều cơ bản làm chủ nguồn nguyên liệu.
Về chế biến điều nhân, các doanh nghiệp cần thúc đẩy cải tiến máy móc thiết bị để nâng cao năng lực và hiệu quả chế biến; trong đó có chế biến sâu. Hiệp hội sẽ theo sát diễn biến thị trường cũng như những biến động, thay đổi trong nước và quốc tế đưa ra những dự báo và khuyến cáo giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin tin cậy, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh đúng, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Chủ tịch Hội Điều Bình Phước chia sẻ, ngành điều đang đóng góp đáng kể vào kinh tế nông nghiệp cả nước, tạo công ăn việc làm cho gần 1 triệu nông dân, công nhân tham gia sản xuất, chế biến. Đặc biệt sản xuất, chế biến điều hỗ trợ tích cực cho chiến lược xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành điều, từ phát triển giống, xây dựng vùng nguyên liệu đến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị chế biến. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giúp quảng bá và khẳng định thương hiệu điều Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Xuân Anh/TTXVN