Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday không "nóng" như kỳ vọng

Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday không "nóng" như kỳ vọng
Mặc dù không ít người chờ đón Online Friday vào mỗi dịp cuối năm nhưng đi liền với đó vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhất là tình trạng khuyến mãi “ảo” của các gian hàng.

Ảnh: Internet

Ngày mua sắm trực tuyến - “Online Friday” 2019 chính thức được mở cửa từ 0h hôm nay, 6/12 với với chủ đề “Siêu khuyến mại, hàng chất lượng” với tổng giá trị giải thưởng bằng hiện vật lên tới 2 tỷ đồng.
Dù vậy, thị trường Online Friday 2019 vẫn có vẻ khá trầm và lượng hàng tham gia bày bán cũng không nhiều, mức độ giảm giá không như kỳ vọng. Hơn nữa, người tiêu dùng biết tới ngày này chủ yếu vẫn là giới văn phòng nên nhiều phân khúc vẫn bị bỏ ngỏ và hiệu quả chưa cao.

Vẫn còn hạn chế
Online Friday là ngày hội mua sắm trực tuyến được Chính phủ phê duyệt, do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp triển khai hàng năm.
Ngày này chính thức trở thành điểm đến cho các nhà bán lẻ hàng đầu cả nước cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng diễn ra trong vòng 24 giờ kể từ 0h hôm nay 6/12.
Lướt qua vài vòng trên các trang thương mại điện tử, điều dễ nhận thấy nhất của Online Friday là quy tụ được nhiều sàn thương mại điện tử tham gia như Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Sanhangre...cùng các nhà phân phối hàng chính hãng và các thương hiệu Việt uy tín.

Bảng giới thiệu các quy trình mua hàng trực tuyến tại bờ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

So với những năm trước, hàng hóa được tung ra dịp này bao gồm các ngành hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang chính hãng, vé máy bay, sách và văn phòng phẩm và không ít sản phẩm giảm giá sâu tới 70% nhưng vẫn chưa thực sự đa dạng hiệu ứng từ chương trình mang lại chưa cao.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, đồng thời là thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, NAPAS luôn tích cực hưởng ứng Online Friday trong nhiều năm qua.
Với Online Friday 2019, NAPAS tiếp tục đồng hành cùng chương trình với mong muốn thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng, tăng cường thay đổi thói quen hành vi người tiêu dùng sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Trần Quỳnh Trang một tín đồ mua hàng online cho hay, mấy năm nay, năm nào chị cũng chờ ngày này vì hay săn được sản phẩm giá rẻ. Chính vì vậy, năm nay chị cũng vào mạng từ 0h với hy vọng tìm được những sản phẩm ưng ý giá cả phù hợp. Tuy nhiên, ngoài việc người tiêu dùng được mua sản phẩm giá rẻ thì vấn đề khách hàng trúng thưởng vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Chị Trần Quỳnh Trang cũng chỉ rõ khi may mắn trúng thưởng và xác nhận đơn hàng (điền đầy đủ thông tin nhận hàng của người mua hàng) trên mã trúng thưởng do Ban tổ chức cung cấp tại app Onlinefriday thì đều nhận được thông báo “Sử dụng mã: Dữ liệu không hợp lệ.”

“Khuyến mãi cũng là một yếu tố khiến người tiêu dùng bị thuyết phục hơn khi mua hàng online. Song, việc hoàn tất các thủ tục cho người tiêu dùng mua được hàng giảm giá hay trúng thưởng với sản phẩm được giảm giá sâu cũng là yếu tố giúp người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến hơn. Bởi khi đó niềm tin của người tiêu dùng sẽ được cải thiện và đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thương mại điện tử phát triển,” chị Trần Quỳnh Trang khẳng định.

Cải thiện niềm tin

 Khách hàng thử nghiệm quét mã khi mua hàng trực tuyến tại lễ kích hoạt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù không ít người chờ đón Online Friday vào mỗi dịp cuối năm nhưng đi liền với đó vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhất là tình trạng khuyến mãi “ảo” của các gian hàng. Bởi đây là thực tế đã diễn ra của một số chương trình Online Friday trước đây.

Nhiều doanh nghiệp tham gia Online Friday với tư tưởng trục lợi, nâng giá rồi giảm giá, cho nên dù sản phẩm có giá giảm sâu lên đến 40% người tiêu dùng vẫn không được lợi.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, chiêu trò các gian hàng tự ý nâng giá sản phẩm, sau đó dán mác khuyến mãi giảm giá để lừa người dùng là không mới.
Tuy nhiên, hiện nay chế tài vẫn chưa đủ tính răn đe, mức phạt ít không đáng kể so với lợi nhuận mang lại khiến tình trạng này vẫn tiếp diễn. Mặt khác, việc xử lý lại không thể tiến hành ngay lập tức, chỉ xử lý được sau khi chương trình kết thúc.
Do đó, khách hàng nếu mua phải những sản phẩm như vậy thì cũng không thể trả được hàng vì tiền đã được thanh toán. Ban tổ chức chỉ tiếp nhận thông tin, xác minh và công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm sau khi hoạt động Online Friday kết thúc.

Trong cuộc họp báo công bố thông tin về Online Friday 2019, Ban tổ chức cũng đã khẳng định sẽ có thẩm định giá cả để tránh hiện tượng các thương hiệu, nhãn hàng nâng giá lên rồi giảm giá như nhiều chương trình khuyến mãi trước đây.
Mặt khác, liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng, Viettel Post và VnPost hỗ trợ lên đến 100% chi phí chuyển phát.
Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ về hạ tầng thanh toán, có Ngân hàng số ViettelPay, VnPay, ZaloPay với các chương trình trợ giá, hoàn tiền khi khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán không bằng tiền mặt; Alliex Việt Nam - nhà đầu tư giải pháp hạ tầng thanh toán tại điểm bán hàng -mang đến trải nghiệm sử dụng nhiều thẻ ngân hàng khác nhau trên thiết bị All-in-one POS dùng chung.
Cùng đó, hệ thống Icheck xác thực nguồn gốc xuất xứ và minh bạch hóa thông tin sản phẩm giúp người tiêu dùng yên tâm mua hàng. Không thể thiếu là sự đồng hành của hệ thống so sánh giá websosanh.vn để đảm bảo không có việc giảm giá ảo trong chương trình.

Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên khởi động chương trình chỉ có hàng chính hãng “Every Friday ” trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday (iOS và Android) nên người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng và giá cả khi giao dịch./.

Uyên Hương

Tags: Online Friday Online Friday 2019 Mua Hàng Trực Tuyến Mua Online Khuyến Mãi Người Tiêu Dùng