Tôi chưa thấy một nước nào mà lễ hội, mít tinh, hội nghị, đại hội, lễ kỷ niệm với cờ hoa rợp trời... lại nhiều như nước ta. Cứ theo dõi một chút qua truyền hình trực tiếp của các nhà đài sẽ thấy rõ tình trạng này trên phạm vi cả nước.
Ví dụ như chuyện lễ hội hàng năm chẳng hạn (vốn là thứ đỡ chi ngân sách nhất), chúng ta có khoảng 8.000 lễ hội/năm trong cả nước. Vậy xin hỏi, trong số lễ hội đó, con số lễ hội thu đủ chi là bao nhiêu, số lễ hội kiếm ra tiền cho ngân sách là bao nhiêu và số lễ hội phải xin ngân sách trợ giúp là bao nhiêu? Tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều lễ hội phải trông cậy vào “bầu sữa ngân sách”.
Tôi không tán thành kiểu tư duy khi có ai đó nói rằng việc chi cho lễ hội là từ ngân sách địa phương, là xã hội hóa này nọ mà ngân sách nhà nước không phải bỏ ra. Dù tiền ở nguồn nào, một khi đã chi ra, theo tôi, cũng đều từ mồ hôi nước mắt của người lao động tạo nên chứ sao lại rạch ròi và mơ hồ vậy!
Liệu có nên tổ chức nhiều lễ kỷ niệm, lễ mít tinh... như lâu nay không khi mỗi dịp này, nhiều khi còn kèm theo cả tặng phẩm kỷ niệm khiến tốn kém lại thêm tốn kém là vấn đề luôn được đặt ra. Tôi còn nhớ, tại tỉnh Vĩnh Phúc năm nào, nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, người ta tặng mọi gia đình trong tỉnh mỗi nhà một bộ ấm chén in đầy chữ, tốn không biết bao nhiêu tiền mà thấy buồn.
Rồi ngành than Việt Nam, khi kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, họ đã dập logo đồng tiền bằng bạc làm tặng phẩm cho khách và người lao động, tổng giá trị của nó lên tới 70 tỷ đồng đã khiến lễ kỷ niệm trở thành nơi ì xèo đàm tiếu không vui.
Nếu tính cả năm trong cả nước, khoản chi này sẽ bao nhiêu? Liệu đủ kinh phí để xây thêm bao nhiêu trường học, bệnh viện, cầu khỉ cho dân Đồng bằng sông Cửu Long hoặc cầu treo qua suối trên vùng cao phía Bắc đang còn thiếu kinh phí? Trụ sở to, tượng đài, quảng trường, nhà lưu niệm hoành tráng, ô tô đi quá tiêu chuẩn... vẫn chưa phải đã chấm dứt dù báo chí phản ánh khá nhiều.
Chuyện dùng ngân sách hỗ trợ cho học sinh du học để hy vọng về phục vụ cơ quan nhà nước nhiều địa phương đã thất bại thảm hại. Có tỉnh như Quảng Ngãi, học xong ở lại cả 4 người. Nhà nước đã chi 15 tỷ đồng vụ này, khi họ ở lại thì tỉnh nọ buộc quan chức có con được đi học phải tự trả (đền) nhưng mới thu được 9 tỷ đồng.
Hiện tượng chi tiếp khách ở các cơ quan nhà nước cũng rất hoang phí. Tại sao người Hàn Quốc tiếp khách quốc tế, họ một mực chỉ dùng rượu nội còn chúng ta, nghèo hơn họ rất nhiều mà toàn dùng rượu ngoại mời khách, không những vậy lại còn rượu sang. Tôi nghĩ, tinh thần dân tộc của chúng ta trong khâu này quá yếu và rất đáng suy nghĩ, đó là chưa nói đến việc không ủng hộ tiêu dùng hàng trong nước để nó phát triển.
Chúng ta vẫn thuộc quốc gia nghèo của thế giới. Tại sao lại quy định cấp Thứ trưởng đi máy bay là được mua vé hạng thương gia ở mọi chặng bay? Hài hước nhất là ở chỗ, như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có lần kể: “Tôi có biết trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi họ cho chúng ta vay tiền thì họ đều ngồi ghế hạng phổ thông”.
Cùng với đó, có một hiện tượng cũng cần nhắc đến, đó là việc tổ chức quá nhiều đoàn công tác nước ngoài nhưng kém hiệu quả và bộc lộ khá rõ hiện tượng lạm dụng công quỹ.
Nhiều vị sắp nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định cho đi công tác nước ngoài để “nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của bạn, về triển khai”. Có những tỉnh lãng phí cả chục tỷ đồng/năm cũng từ khoản này, điều này tuy nói nhiều nhưng sửa lại không nhiều.
Vào tháng 4/2019, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ký quyết định về việc cấp kinh phí lắp camera an ninh tại nhà riêng của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy với số tiền gần 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng. Việc lắp đặt này từ tiền ngân sách nên đã vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận và lãnh đạo tỉnh này buộc phải thu hồi để tránh đàm tiếu trên báo chí và mạng xã hội không ra sao.
Chuyện tiêu xài công quỹ lãng phí ở bộ nào, địa phương nào cũng có và mặc dù Chính phủ gần đây đều có những động thái siết chặt, thậm chí cắt luôn một tỷ lệ phần trăm nhất định khi phân bổ ngân sách năm, nhưng có những khoản chi lãng phí lại do quy định hiện hành không thay đổi, không thấy vấn đề để rút đi kiểu như những chuyện tôi nêu trên.
Đã tới lúc các ngành chức năng cần nghiêm túc ngồi lại, điều chỉnh những bất hợp lý như trên để tiết kiệm ngân sách trong chi tiêu. Không tiết kiệm chi tiêu, năng suất lao động lại thấp, hội hè nhiều thì làm sao đất nước giàu mạnh thực sự được!
Quốc Phong