Một phụ nữ chia sẻ: "Tôi tò mò về vòi xịt vệ sinh từ nhiều năm nay, tuy nhiên chỉ đến khi chồng gửi bức ảnh các kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng vì người mua tranh cướp tại các siêu thị, tôi mới quyết định tìm hiểu kỹ hơn về nó. Làm sạch bằng nước là khái niệm mới mẻ. Vòi xịt nhẹ nhàng với vùng đó của cơ thể hơn. Bạn vẫn nên sử dụng một ít giấy, nhưng ít hơn nhiều, lượng giấy giảm đi tới 80%".
Có rất nhiều người Mỹ cũng "vô tình đi lạc vào thế giới vòi xịt" giống như vị khách hàng này, biểu hiện ở việc một số hãng chuyên bán vòi xịt đã kín đơn đặt hàng cho đến tận cuối tháng.
Jason Ojalvo, CEO của Tushy - một công ty chuyên sản xuất vòi xịt rửa vệ sinh ra đời năm 2015 tại Mỹ cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 3, doanh số của công ty bắt đầu tăng gấp đôi so với tháng trước đó. "Hai ngày tiếp theo, doanh số tăng gấp ba trước đây và đột ngột lên đến 10 lần so với doanh số bình thường. Vài ngày sau, chúng tôi đạt doanh thu đỉnh điểm là 1 triệu USD mỗi ngày", Jason tiết lộ.
Do ảnh hưởng từ lệnh cách ly trên toàn quốc, các gia đình đều cần thêm giấy vệ sinh ở nhà. Loại giấy vệ sinh khan hiếm nhất là các nhãn hiệu xa xỉ, hai lớp và được làm từ sợi nguyên chất, trái ngược với giấy tái chế một lớp mà các doanh nghiệp thường hay sử dụng.
Nhưng thay vì mất thời gian đeo đuổi những thông tin như giấy vệ sinh hiện còn ở siêu thị nào, một số người (phần lớn thuộc thế hệ trẻ) xem việc mua vòi xịt vệ sinh như một phát kiến trong đại dịch. Kaitlyn Braswell, một nhà phân tích quản lý ở Chicago, người vừa đặt mua vòi xịt vài ngày trước, đang rất hào hứng mong chờ thứ mà cô gọi là "một mức độ sạch sẽ mới". Cô chỉ ước rằng giá mình đặt hàng sớm hơn, bởi vì chiếc vòi xịt cô mua sẽ chỉ đến tay cô vào khoảng giữa tháng 5.
Ở Italy, nơi vòi xịt là thứ không thể thiếu nơi mỗi hộ gia đình, sự tranh cướp giấy vệ sinh ở Mỹ là một điều khó hiểu. Người ta hoàn toàn không tưởng tượng ra được việc phòng vệ sinh của Italy có thể thiếu một thiết bị thiết yếu như vậy. Từ năm 1975, luật vệ sinh (hygiene laws) chỉ rõ: "Đối với mỗi chỗ ở, một nhà tắm ít nhất phải được trang bị các thiết bị sau: toilet, vòi xịt, bồn tắm hoặc vòi sen, chậu rửa mặt".
Truyền thống khinh miệt vòi xịt của người Mỹ vốn không có cơ sở rõ ràng. Năm 1936, một người Mỹ còn cho rằng sự hiện diện của vòi xịt làm liên tưởng đến những điều tội lỗi, dựa trên một giả thuyết cho rằng lính Mỹ ở châu Âu trong thế chiến thứ hai đã đến thăm các nhà thổ ở Pháp và thấy những vòi xịt.
Ngày nay, áp lực trong việc tích trữ giấy vệ sinh giai đoạn cách ly đã trở thành động lực để nhiều người cần phải đưa ra quyết định mà họ đã nghiền ngẫm trong nhiều năm. Đối với Brandon Krajewski - một nhà làm phim sống ở Los Angeles, sự kết hợp giữa tình trạng thiếu giấy được đồn đại và những lời tiếp thị đầy thuyết phục từ hãng Tushy đã khiến anh quyết định thử dùng nước, thay vì giấy như trước. "Khi thấy các kệ hàng giấy vệ sinh trống trơn, chúng tôi nhận ra rằng có thể giảm chi phí và sự lãng phí giấy. Tôi đã thử dùng vòi xịt vài tháng trước khi ở Airbnb và thấy thích nó", anh nói.
Tushy không phải là hãng vòi xịt duy nhất chứng kiến sự tăng vọt đáng ngạc nhiên về doanh số, tại Mỹ. Tờ Business Insider báo cáo rằng, cứ mỗi hai phút hãng Brondell bán được một chiếc vòi xịt trên Amazon, tương đương 1.000 chiếc mỗi ngày. Các đơn hàng yêu cầu vòi xịt đi kèm thiết bị vệ sinh mà hãng Hygiene for Health nhận được đã tăng gấp đôi hai tuần qua.
Việc giảm sử dụng giấy vệ sinh đem lại lợi ích thực tế cho môi trường. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, thế giới có khả năng gìn giữ được thêm một nghìn tỷ cây xanh khi dân tình hạn chế dùng giấy vệ sinh, nhờ thế có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nếu người Mỹ từ bỏ việc dùng giấy vệ sinh, họ có thể giữ cho 15 triệu cây xanh mỗi năm khỏi bị biến thành bột giấy. Thay vì tiếp tục phá rừng phương Bắc, một trong những lá phổi xanh lớn nhất hành tinh sẽ được bảo tồn.
Đáng ngạc nhiên, dùng vòi xịt cũng có thể giúp tiết kiệm nước. Quá trình sản xuất một cuộn giấy vệ sinh cần khoảng 140 lít nước, theo báo cáo từ Science American. Trong khi đó, một chiếc vòi xịt, theo phép so sánh, chỉ sử dụng nửa lít nước. Điều này chưa kể đến việc nhà sản xuất tiêu tốn đến hàng trăm ngàn tấn clo để tẩy trắng khi sản xuất giấy vệ sinh, cũng như nguồn năng lượng cần thiết trong quá trình sản xuất, nhựa sử dụng một lần để đóng gói lẫn nhiên liệu vận chuyển...
Josh Faulkes, một chuyên gia về tế bào học, ở nhà tại Madison, Wisconsin do lệnh phong tỏa, nói rằng đại dịch lần này đã thay đổi giá trị của chiếc vòi xịt từ một sản phẩm không được quan tâm trở thành một thứ thiết yếu trong các gia đình Mỹ.
Josh thậm chí đã "vung tay" mua một chiếc bồn cầu tự rửa bằng nước ấm và sấy khô. "Đó thực sự là một món quà sinh nhật giá trị cho chính mình", anh nói.