Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 1.727,5 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 28%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 19%, lỗ từ hoạt động ngoại hối tăng 5 lần.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của TPBank tăng 22% so với cùng kỳ, lên gần 1.096 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên mức 324 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng này quý đầu năm 2020 chỉ còn lần lượt là 1.009 tỷ đồng và 809 tỷ đồng, tăng 18% và 19% so với cùng kỳ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ACB trong quý I/2020 cũng giảm nhẹ. Lãi từ hoạt động khác giảm 40%, còn hơn 80,5 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 31%, lên 2.360 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 93 tỷ đồng, không hoàn nhập như quý I/2019. ACB kết thúc 3 tháng đầu năm với lãi sau thuế 1.537 tỷ đồng, tăng 13%.
Trong quý I/2020, lãi thuần của MB đạt 4.695 tỷ đồng, tăng 13,54% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm nhẹ khoảng 2%, còn 745 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 7%, xuống 240 tỷ đồng. Sau khi trừ trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của MB tăng trưởng âm, do chi phí dự phòng tăng tới 117%, lên 2.092 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2020, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.195 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Saigonbank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động cho vay giảm 4,4%, còn 152 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ giảm 24%, đạt 7,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 31,4%, còn 48,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 34%, còn gần 44 tỷ đồng.
Ngay cả những nhà băng quy mô và có nguồn thu từ dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Trong quý I/2020, thu nhập lãi thuần của Vietcombank chỉ tăng 6,29% so với cùng kỳ, đạt 9.034 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,43%, đạt 1.127 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận quý này của Vietcombank giảm 11% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó sớm tăng mạnh trở lại
Trước Covid-19, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong năm nay được giới phân tích tài chính nhận định, sẽ không tăng mạnh như những năm trước. Như vậy, lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng sẽ giảm. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, dẫn đến phải tăng trích lập dự phòng, kéo giảm lợi nhuận.
Việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp cũng làm giảm một phần lợi nhuận của các ngân hàng. Mặt khác, hoạt động dịch vụ của ngành ngân hàng năm nay cũng bắt đầu sụt giảm. Các ngân hàng đang phải giảm phí, thậm chí miễn hoàn toàn phí chuyển tiền để giữ chân khách hàng.
Dù giao dịch trực tuyến có thể khởi sắc, song mức phí thu dịch vụ này thấp, nên lợi nhuận không đáng kể. Đồng thời, dịch vụ bảo hiểm - chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng những năm gần đây - cũng được dự báo có thể giảm, bởi bảo hiểm là một trong những chi phí cần cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trong khi đó, với mục tiêu đặt ra năm nay, không ít nhà băng trông chờ vào nguồn thu từ dịch vụ. Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 12%, tín dụng phụ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, duy trì nợ xấu dưới 0,8%. Trong đó, thu từ mảng dịch vụ được kỳ vọng tăng không dưới 30%.
Thực tế, tín dụng luôn đóng góp tỷ trọng nguồn thu và lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng, bên cạnh nguồn thu ngoài lãi được đẩy mạnh những năm qua. Thế nhưng, Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó vì sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng, kéo theo nhu cầu vốn giảm, dịch vụ tài chính ảm đạm. Các ngân hàng đua nhau giảm phí để giữ chân khách hàng. Điều này sẽ tác động lên hoạt động kinh doanh của các nhà băng, chưa kể phải tăng dự phòng nợ xấu.
Vân Linh