Cũng theo nhận định từ phía Bộ Công Thương, dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Do đó, sản xuất công nghiệp tăng chậm lại so với cùng kỳ nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2019 tăng 9,2%, năm 2018 tăng 10,7%, năm 2017 tăng 6,6%, năm 2016 tăng 7,4%.
Bước sang tháng 4, tình hình bệnh dịch tuy đã được cơ bản kiểm soát, tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn chưa thể “vào guồng”. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%, ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%, sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%, cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
“Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,9%; giày, dép da giảm 4,9%; thép cán giảm 4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,7%; alumin giảm 0,7%; ti vi tăng 1%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 28,5%; xăng dầu các loại tăng 13,9%; phân u rê tăng 11,7%; thép thanh, thép góc tăng 7,7%; than sạch tăng 5,5%”, đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Đáng chú ý, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 14,2% (cùng kỳ năm trước tăng 18,6%). Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội. Sản lượng ô tô sản xuất tháng 4 ước đạt 6,9 nghìn chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ứng phó nguy cơ “sụp đổ” của thị trường ô tô, mới đây, theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, trong ngày mai (5/5), Bộ trường Nguyễn Chí Dũng sẽ trình Dự thảo Nghị quyết về miễn giảm một số loại thuế, phí cho xe lắp đặt trong nước lên Chính phủ.
Cũng theo khẳng định của Bộ trưởng KH&ĐT, đây là vấn đề cần được sự chấp thuận, phê duyệt của cả Chính phủ và Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm có quyết định.
Như vậy, sau ngày mai, người tiêu dùng có thể sẽ xe ô tô với phí trước bạ được giảm tới 50% (từ mức 10-12% xuống còn 5-6%)
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường hậu đại dịch Covid-19 là đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020.
Cùng với đó là chính sách ưu đãi về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.
Được biết, đây cũng là ý kiến mà trước đó rất nhiều doanh nghiệp thuộc VAMA và Bộ Công Thương nêu ra trong báo cáo gửi Thủ tướng.
Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện tại, phí trước bạ nằm trong Luật Phí và lệ phí, thuế Tiêu thụ đặc biệt nằm trong quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. Phương án giảm thuế phí sẽ theo quy trình Quốc hội thông qua để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, sau đó mới có các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Thanh Phong