Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã bất ngờ hút mạnh dòng tiền trong những phiên giao dịch vừa qua. Nhà đầu tư đang kỳ vọng gì ở CTG?
Báo cáo quý 1/2020 mà nhiều ngân hàng công bố vừa qua, cho thấy doanh thu và lợi nhuận đều giảm do dịch COVID-19. Tuy nhiên với CTG, dù doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, nhưng giá cổ phiếu của ngân hàng này đang là tâm điểm thu hút dòng tiền. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 29/4, giá cổ phiếu CTG tăng 5% lên 20.000 đồng/cổ phiếu với 9,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị 183 tỷ đồng, mức cao nhất sàn HOSE.
Theo ông Nguyễn Hải Thắng- Nhà đầu tư trên sàn MBS, trong phiên giao dịch này, cổ phiếu CTG đã thu hút được dòng tiền lớn, mặc dù quỹ VFMVN30 ETF hoàn tất việc cơ cấu danh mục tháng 4 khiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Trong rổ chỉ số VN30 mà quỹ này tái cơ cấu thì duy nhất VCB, CTG được tăng tỷ trọng, còn lại đa số các cổ phiếu bị bán mạnh.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết, cho đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã rơi về đáy trung hạn của nhiều năm như BID, VCB, CTG, VPB và nhiều cổ phiếu phá đáy trung hạn như MBB, TCB…, nhưng CTG là cổ phiếu duy nhất được giới đầu tư quan tâm bởi hai lý do: Thứ nhất, CTG là cổ phiếu ngân hàng duy nhất chưa chia cổ tức trong 2 năm 2018-2019, trong khi BID và VCB đã được Bộ Tài chính, NHNN thông qua việc chia cổ tức. Thứ hai, CTG là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 3 trên sàn niêm yết đang đợi Quốc hội thông qua chủ trương tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. Đây chính là điểm nhấn mà giới đầu tư trông đợi từ cổ phiếu CTG.
CTG có khả năng đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Basel II trong thời gian tới, là tiền đề để được NHNN xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng này trong năm nay.
CTG là ngân hàng top đầu về quy mô hoạt động với mạng lưới điểm giao dịch rộng lớn với trên 1.000 chi nhánh và phòng giao dịch chỉ sau LPB. Quy mô tổng tài sản của CTG đứng thứ 2, đạt 1,2 triệu tỷ đồng (chỉ sau BID). Quy mô huy động đạt 931 tỷ đồng, đứng thứ 03 sau BID và VCB. Thị phần tín dụng của CTG ở thời điểm cuối 2019 là khoảng 12%, trong khi thị phần huy động là gần 11%. CTG cũng đứng thứ 3 về quy mô thu nhập lãi thuần.
Cho đến thời điểm này, CTG chuyển đổi cơ cấu danh mục theo hướng tập trung vào khách hàng SME, khách hàng cá nhân; chuyển đổi cơ cấu thu nhập theo hướng giảm phụ thuộc vào thu nhập lãi. Đặc biệt, số hóa hoạt động ngân hàng không phải là câu chuyện mới của CTG.
Theo Công ty Chứng khoán EVREST, ảnh thưởng của dịch COVID-19 có thể tác động làm giảm lợi nhuận của CTG khoảng 11,2% năm 2020, tuy nhiên giá cổ phiếu CTG sụt giảm mạnh trong thời gian qua khiến cổ phiếu này trở nên rẻ, hấp dẫn cho triển vọng phục hồi mạnh sau dịch bệnh.
Do vậy, sử dụng phương pháp so sánh PB để định giá CTG, EVREST cho rằng, cổ phiếu CTG được xác định giá hợp lý ở mức 24.000 đồng/cp.
Do vậy, nhà đầu tư cân nhắc mở vị thế mua với cổ phiếu CTG từ vùng giá 19-20.000 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ khi cổ phiếu này rớt vùng giá dưới 17.000 đồng/cổ phiếu- đáy trung hạn của CTG trong nhiều năm qua...