Đêm trên mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Năm 2020, thị trường dầu thô thế giới được dự báo sẽ có những rủi ro bất định do nhiều yếu tố tác động. Là một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu dầu thô thì Việt Nam cần có giải pháp gì để ứng phó với biến động giá dầu?
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn chuyên gia Đoàn Tiến Quyết, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) xung quanh vấn đề này.
-Xin ông cho biết đâu là những yếu tố chủ yếu tác động đến giá dầu thô thế giới trong năm 2020?
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết: Tôi cho rằng trong năm 2020, giá dầu thô thế giới sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:
Thứ nhất là nguồn cung, vào ngày 6/12/2019, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cùng với Liên bang Nga tuyên bố sẽ cắt giảm tiếp 500.000 thùng/ngày trong năm 2020, nâng tổng số cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Đây là con số rất lớn vì chiếm khoảng 1,7% tổng nguồn cung dầu thô của toàn thế giới và đây sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới giá dầu trong năm 2020.
Các cuộc khủng hoảng giá dầu trong giai đoạn gần đây như cuộc khủng hoảng 2014-2016, giá dầu thô đã rơi từ mức 120 USD/thùng xuống còn dưới 30 USD/thùng. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do nguồn cung quá lớn gây dư thừa và đó là yếu tố ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô.
Thị trường dầu thô trong năm 2020 sẽ chịu rủi ro bất định, đó là nguồn cung dầu thô của Mỹ. Hiện nay, nguồn cung này đang ở mức hơn 12 triệu thùng/ngày, dự kiến tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2020, nâng lượng cung ra thị trường hơn 13 triệu thùng/ngày.
Và đây là một trong các yếu tố quan trọng tạo sức ép lên thị trường. Cùng với đó là một số rủi ro trên thị trường liên quan đến yếu tố địa chính trị tại Venezuela hay Libya dần được tháo gỡ, từ đó tác động đến việc khai thác dầu thô ổn định và làm tăng sản lượng khai thác dầu thô.
Bên cạnh đó, một số nước ngoài OPEC như Na Uy và Brazil sản lượng khai thác dầu thô tiếp tục tăng do áp dụng các công nghệ mới, đồng thời giảm chi phí.
Tính đến cuối năm 2019, lần đầu tiên sau 32 tháng qua, sản lượng khai thác dầu thô của Na Uy đạt mức cao nhất, đạt mức xấp xỉ 2 triệu thùng/ngày và đây cũng là yếu tố dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới giá dầu.
Tiếp theo là yếu tố về tăng trưởng kinh tế. Trong 2 năm 2018 - 2019, nền kinh tế thế giới nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vì vậy tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2019 chỉ ở mức 2,3%, mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua và dự báo trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế toán cầu chỉ ở mức 2,4%. Đây là con số thấp.
Kinh tế thế giới tăng trưởng thấp cũng là xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế phát triển tốt nhất trong vòng 20-30 năm nay tại châu Á cũng như toàn thế giới. Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 6%, thậm chí còn thấp hơn bởi thương chiến Mỹ-Trung mặc dù có các tín hiệu lạc quan.
Đây là các yếu tố tác động chính tới nền kinh tế thế giới và qua đó tác động trực tiếp đến nhu cầu dầu thô của thế giới. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong năm 2020 ở mức 100 triệu thùng/ngày trong khi tổng nguồn cung dầu thế giới là 102 triệu thùng/ngày. Chênh lệch này sẽ tạo sức ép rất lớn lên giá dầu.
Cùng với đó, trong năm 2020, giá dầu thô thế giới sẽ chịu tác động từ quyết định giảm thiểu lượng lưu huỳnh từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và qua đó hàm lượng lưu huỳnh với phương tiện hàng hải sẽ giảm từ mức 3,5% xuống còn 0,5%.
Quy định này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu sản xuất và lưu chuyển các dòng dầu thô và thông qua đó tác động đến giá dầu. Hiện nay, các dòng dầu thô mà có thể sản xuất sản phẩm có hàm lượng lưu huỳnh thấp được các nhà máy lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm dầu khí quan tâm hơn.
Cùng với đó là các yếu tố địa chính trị, trong suốt 100 năm hình thành thị trường dầu thô, đây là yếu tố vô cùng nhức nhối và không thể đoán định được. Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Iran, Venezuela về chính trị đã kéo dài nhiều năm và chưa có chuyển biến.
Năm 2018, Mỹ thực hiện tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran và lệnh trừng phạt này đã khiến cho nguồn cung cũng như sản lượng khai thác dầu của Iran giảm từ mức 4 triệu thùng/ngày xuống còn 2 triệu thùng/ngày.
Cùng đó, Iran đã có động thái đáp trả liên quan đến đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường chuyên chở dầu thô rất quan trọng của thế giới với khoảng 20% sản lượng dầu thô của thế giới được chuyên chở qua eo biển này. Bất cứ sự biến động nào về mặt chính trị ở khu vực này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu thô. Giá dầu thô có thể tăng ngay lập tức khi Iran có các động thái đối với khu vực hết sức quan trọng này.
Đây là các nhân tố cơ bản mà Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng là quan trọng nhất có thể tác động mạnh nhất tới thị trường dầu thô và giá dầu thô trong năm 2020.
Tóm lại, trong năm 2020, sẽ có 4 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến giá dầu thô. Thứ nhất đó là nguồn cung dầu thô của thế giới, thứ hai là tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thứ ba là quy định IMO 2020 về cắt giảm tỷ lệ lưu huỳnh trong nhiên liệu và cuối cùng là các bất ổn chính trị liên quan đến địa chính trị tại một số điểm nóng của thế giới như Iran, Venezuela hay Libya.
-Vậy theo ông đâu là các kịch bản cho giá dầu năm 2020?
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết: Theo kết quả dự báo giá dầu thô thế giới của các tổ chức quốc tế do Viện Dầu khí Việt Nam cập nhật, giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 64 USD/thùng.
Đây là mức giá tương đối cao so với mặt bằng chung năm 2019. Trong giai đoạn cuối năm 2019, giá dầu thô có giai đoạn tăng giá rất tốt; trong đó giá dầu thô Brent đã tăng gần 10%.
Mức giá trung bình tháng 11/2019 khoảng 60 USD/thùng, đến cuối tháng 12/2018 là 68 USD/thùng. Mặc dù vậy, sự tăng giá này được nhìn nhận không thể kéo dài trong suốt năm 2020.
Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế thì giá dầu thô ở mức từ 60 - 68 USD/thùng sẽ chỉ duy trì trong khoảng 6 tháng đầu năm 2020 bởi một số yếu tố, đặc biệt là việc OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng đến hết Quý 1/2020 và có thể gia hạn sang Quý 2/2020.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2020 sẽ rất khó đoán định với giá dầu thô. Và theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế và Viện Dầu khí Việt Nam, giá dầu thô thế giới sẽ dao động trong khoảng từ 60-65 USD/thùng.
Và vì vậy, giá dầu thô bình quân năm 2020 sẽ dao động trong khoảng 64 USD/thùng theo mức giá của dầu thô Brent.
-Giá dầu sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế thế giới?
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết: Đây là bài toán 2 chiều. Trong suốt 3 năm lại đây, giá dầu thô luôn giữ vững ở mức trên 60 USD/thùng. Đây có thể coi là mức giá trung bình có thể chấp nhận được với cả các nước tiêu thụ và các nước sản xuất dầu.
Theo nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, giá dầu thô sẽ ảnh hưởng tích cực đối với các nước sản xuất dầu thô. Hiện chi phí khai thác dầu thô của các nước có sản lượng lớn như Saudi Arabia, Mỹ và Nga chỉ ở mức dưới 50 USD/thùng. Và mức giá dầu thô ở ngưỡng 60 USD/thùng sẽ đem lại lơi ích rất lớn cho các nước sản xuất dầu thô.
Đây sẽ là nguồn lực rất lớn để các nước này phân bổ đầu tư. Các nghiên cứu mới đây cho rằng đây là mức giá ở điểm vàng, tốt cho cả nước sản xuất và nước tiêu thụ. Nếu như thiết lập ở mức giá này thì nền kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, nếu giá dầu cao hơn nữa, cụ thể trong trường hợp giá dầu tăng 10 USD/thùng tăng trưởng kinh tế sẽ bị thiệt hại khoảng 0,1 điểm % và lạm phát toàn cầu cũng ở mức tương tự.
-Thưa ông các kịch bản giá dầu như vậy sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam? Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào để thích ứng với dự báo biến động giá dầu trong năm 2020?
Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết: Trong nhiều năm lại đây, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch ngân sách dựa trên giá dầu phù hợp.
Ví dụ như năm 2019, ngân sách dựa trên giá dầu kế hoạch là 65 USD/thùng. Năm 2020, giá dầu kế hoạch có thể thấp hơn từ 62-64 USD/thùng. Với giá dầu hiện nay, có tác động tốt đến kinh tế.
Tuy nhiên cần có kế hoạch nhất định để tận dụng tốt hơn mức giá dầu hiện nay. Theo các nghiên cứu, giá dầu biến động 1 USD/thùng thì có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.
Và 1 USD giá dầu biến động thì có thể khiến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) biến động khoảng 200 tỷ đồng.
Vì vậy, nếu giá dầu chỉ cần tăng 1 USD, PVN có thể tăng thu và đóng góp tốt hơn cho ngân sách Nhà nước. Và nếu có kế hoạch tốt thì đây là điều kiện tốt để tăng thu ngân sách và cân đối các nguồn thu.
Tuy nhiên, Việt Nam là nước đã nhập khẩu rất nhiều dầu thô cho các nhà máy lọc dầu. Giá dầu thô phù hợp sẽ tác động tốt tới nhà máy lọc dầu.
Chính vì thế, quan điểm của Viện Dầu khí Việt Nam là Nhà nước cần có những giải pháp để giúp doanh nghiệp tận dụng giá dầu hiệu quả nhất cũng như nâng cao chất lượng quản lý điều hành các sản phẩm được chế biến từ dầu thô.
Cụ thể, dầu thô là đầu vào của các nhà máy lọc dầu và sản phẩm đầu ra của nhà máy lọc dầu là các sản phẩm xăng dầu, mặt hàng có ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Chúng ta biết là kinh tế từ logistics đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam; trong đó 60% chi phí vận tải là nằm trong chi phí logistics đó. Cho nên giá dầu cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải, làm tăng chi phí lưu thông, chi phí sản xuất của nền kinh tế.
Do đó cần xây dựng cơ chế giá xăng dầu hợp lý bởi vì giá xăng dầu hiện nay điều hành theo phương án 15 ngày. Đây là phương án điều hành hơi dài nên cần phải rút ngắn khoảng cách thời gian điều chỉnh giá để giá xăng dầu có thể tiếp cận nhanh hơn với giá dầu thô, giá xăng dầu thế giới, qua đó giúp điều chỉnh chi phí vận tải trong lưu thông nhanh chóng, linh hoạt hơn. Đây là những yếu tố trực tiếp chịu tác động từ sự thay đổi giá dầu thô.
Cùng với đó, hiện nay Chính phủ giao thực hiện ngân sách dựa trên kế hoạch giá dầu thô hàng năm. Thực tế giá dầu thô biến động hằng ngày, hằng giờ. Trong khi đó, kế hoạch ngân sách lại xây dựng theo giá dầu cố định của một năm sẽ rất khó cho người thực hiện trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần có phương án thay đổi về cách tính giá dầu trong kế hoạch ngân sách để PVN có thể có kế hoạch phát triển thuận lợi hơn.
Năm 2020, thị trường dầu thô cũng sẽ chịu ảnh hưởng của việc thay đổi quy định về hàm lượng lưu huỳnh của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, chi phí vận tải dự kiến sẽ tăng từ 10-30% và điều này sẽ ảnh hưởng đến các loại chi phí, ảnh hưởng đến CPI nên cần có giải pháp thích ứng với việc tăng giá này.
Ngoài ra, dầu thô là mặt hàng biến động phức tạp về giá nên cần có biện pháp hiệu quả về dự trữ dầu thô.
Hiện đã có chiến lược quốc gia về dự trữ dầu mỏ nhưng chiến lược này chưa thực hiện triệt để, cần có giải pháp để chiến lược dự trữ được thực hiện tốt nhất. Bởi vì trong điều kiện biến động thị trường, giá giảm thì Việt Nam có thể gia tăng mua vào dự trữ, nếu giá cao có thể sử dụng dự trữ dầu mỏ để bình ổn thị trường và đây là giải pháp điều hành vĩ mô tốt./.
- Xin cảm ơn chuyên gia!./.
Anh Nguyễn