Nhập khẩu tăng "khủng" vẫn không đủ thịt lợn để ăn

Nhập khẩu tăng "khủng" vẫn không đủ thịt lợn để ăn
Hiện nay, dù thịt lợn nhập khẩu đã tăng hơn 100% về lượng và tăng gần 95% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, song theo Bộ Công Thương lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Trong 3 tháng 11/2019, 12/2019 và tháng 1/2020, tổng lượng thịt lợn thiếu hụt là 200.000 tấn. Ảnh: Internet

Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn mặt hàng này những tháng cuối năm.

Dự báo, nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Ước tính nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019 ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% so với năm trước.

Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Sản lượng thịt lợn giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Bộ này dự báo trong 3 tháng 11/2019, 12/2019 và tháng 1/2020, tổng lượng thịt lợn thiếu hụt trong nước là 200.000 tấn.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đánh giá: Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 50% so với trước khi xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi (tháng 4/2019).

Số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN&PTNT ước tính. Đó là bởi, không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Riêng về câu chuyện nhập khẩu thịt lợn về bù đắp lượng thiếu hụt trầm trọng, theo Bộ NN&PTNT: Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.

Bộ Công Thương thông tin: 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan.

Song lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Bộ Công Thương yêu cầu Bộ NNPT&NT có chỉ đạo, hướng tới việc tái đàn ở những vùng đã hết dịch để đảm bảo nguồn cung. Về đảm bảo thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như thủy sản, gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt lợn".

Thanh Nguyễn

Tags: Nhập Khẩu Nhập Khẩu Thịt Lợn Thịt Lợn Giá Thịt Lợn Tăng