Còn nhiều hồ sơ nằm chờ
Sau hơn 1 tháng kể từ khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19) có hiệu lực, nhiều nhà băng đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết, tính đến ngày 21/4/2020, dư nợ được thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tại Ngân hàng là 23.339 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Thời gian cơ cấu nợ từ 3 - 12 tháng, tuỳ theo khách hàng, ngành hàng, dòng tiền của khách hàng, theo biểu mẫu, tiêu chí của SHB. Số khách hàng được cơ cấu lại nợ là 3.194.
Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại SHB là 10.975, với dư nợ bị ảnh hưởng là 100.921 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ của SHB.
Tại VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc thông tin, tính đến ngày 21/4, Ngân hàng đã cấu trúc nợ, giãn nợ khoảng hơn 6.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng.
Dẫu vậy, “hiện số lượng hồ sơ đề nghị cấu trúc nợ đang nằm chờ và trong giai đoạn hoàn thiện khoảng trên 10.000 khách hàng”.
Còn tại VIB, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết, số khách hàng được Ngân hàng cơ cấu nợ khoảng 700 khách hàng, với tổng dư nợ là 600 tỷ đồng.
VIB hiện đang nhận được rất nhiều kiến nghị và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng với dư nợ 6.600 tỷ đồng trong 4 tuần tới.
Liên quan đến việc triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ, Ngân hàng đã tính toán, giải quyết lượng hồ sơ cơ cấu lại nợ cho khách hàng đến hết tháng 3/2020 là khoảng 20.000 tỷ đồng, còn tới tháng 4/2020 lên tới 32.000 tỷ đồng.
Sacombank tập trung giải quyết các hồ sơ đến hạn trước (trong vòng 9 ngày) để tránh tình trạng khách hàng bị quá hạn, không được hưởng hỗ trợ theo Thông tư 01 quy định chỉ xem xét trong 10 ngày.
Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị thông tin: “Tới thời điểm này, Ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 727 khách hàng, với dư nợ tín dụng là 32.905 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.181 khách hàng với tổng dư nợ khách hàng là 65.840 tỷ đồng”.
Thông tin từ Agribank cho biết, tính đến thời điểm 17/4/2020, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 30.000 tỷ đồng, với gần 15.000 khách hàng.
Trong đó, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 là 20.906 tỷ đồng, với 4.733 khách hàng.
Dư nợ được miễn giảm lãi suất 2.474 tỷ đồng với 208 khách hàng. Dư nợ được hạ lãi suất là 26.066 tỷ đồng với 21.360 khách hàng.
Hiện Agribank đang tiếp tục đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng của khách hàng do dịch Covid-19, cùng khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất - kinh doanh, từ đó tư vấn và hỗ trợ phù hợp.
Kiến nghị xem xét lại quy định xét duyệt hồ sơ
Kết quả đạt được sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 01 là khá tích cực, nhưng lãnh đạo các ngân hàng cũng chia sẻ nhiều vướng mắc và kiến nghị để giải quyết.
Tổng giám đốc VPBank cho biết, số lượng hồ sơ xin tái cơ cấu nợ rất lớn, trong đó hồ sơ xin giãn với khoản nợ có giá trị từ vài chục tới vài trăm triệu đồng rất nhiều.
Nếu chiểu theo các quy định tại Thông tư 01, việc hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ này, chúng tôi đề nghị cho phép áp dụng quy trình rút gọn, đặc biệt với các khoản vay nhỏ.
“Do 70% các khoản cho vay trước đây của Ngân hàng là cho vay tín chấp nhỏ, thực hiện online, nếu cấu trúc lại nợ theo mô hình truyền thống thì khó chạy kịp tiến độ. VPBank đã phát triển được hệ thống cho phép cấu trúc nợ online, nếu NHNN cho phép thực hiện như vậy, Ngân hàng có thể đẩy nhanh việc cơ cấu nợ đối với các khoản vay có giá trị thấp”, ông Vinh kiến nghị.
Ngoài ra, VPBank đề nghị NHNN mở rộng áp dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu do hiện tại có một số khách hàng thuộc đối tượng trên là khách hàng tốt, song hoạt động kinh doanh của họ bị đình trệ do dịch bệnh, rất cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, thời gian qua, khối lượng hồ sơ phải xử lý trong việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng rất lớn, đặc biệt là những ngân hàng có dư nợ bán lẻ và khách hàng cá nhân nhiều.
“Nếu như NHNN cho phép ngân hàng sử dụng thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn, đồng thời được sử dụng các chứng từ điện tử, các kênh online hay các đề nghị của khách hàng thông qua email, thông qua các dữ liệu điện tử khác cho thủ tục đó cũng sẽ giúp cho ngân hàng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ, Thông tư 01 và Chỉ thị 02 trên thực tế triển khai cho thấy, tất cả các khách hàng đều gặp khó khăn nên về mặt logic, các khách hàng đều yêu cầu giảm lãi suất và giãn thời gian trả nợ. Điều này tạo áp lực lớn lên bộ máy vận hành của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại mất thời gian nhiều vì đòi hỏi tuân thủ quy định pháp luật cơ cấu, phải đảm bảo đúng đối tượng khách hàng và phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Thời gian xét duyệt hồ sơ theo quy định tại Thông tư 01 chỉ kéo dài 10 ngày nên các ngân hàng khó thực hiện được. Do vậy, VIB kiến nghị NHNN xem xét lại thời gian xét duyệt hồ sơ theo quy định hiện nay”, ông Vũ nói.
Và những vướng mắc khác
Để triển khai Thông tư 01 hiệu quả hơn, ông Thọ đề xuất NHNN nên xem xét lại việc trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ mà cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ kéo dài đến khi WHO công bố hết dịch. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia chuỗi toàn cầu nên dù Việt Nam có kiểm soát được dịch tốt nhưng thị trường quốc tế của doanh nghiệp đó vẫn chưa hết dịch nên vẫn ảnh hưởng rất nặng nề.
“NHNN cũng nên xem xét giãn tiến độ giảm tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR) xuống 85% để ngân hàng có dư địa sử dụng vốn cho vay”, ông Thọ nói.
Còn ông Hiển nêu quan điểm: “Đề nghị NHNN xem xét kéo dài thời hạn cơ cấu nợ lên 36 tháng, thay vì 12 tháng như hiện tại. Bởi sau khi hết dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi kinh doanh tới 1 - 2 năm mới phát triển “hồng hào” lại và có nguồn tiền trả nợ ngân hàng”.
“NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ (có thể theo mức giảm doanh thu) để các ngân hàng nhất quán thực hiện. Bên cạnh đó, cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng vay trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi dòng tiền của doanh nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đề xuất.
Một vấn đề dù không được đề cập trong Thông tư 01, nhưng theo Tổng giám đốc Sacombank, lại có liên quan đến Thông tư 01, đó là thẻ tín dụng.
“Một chủ doanh nghiệp, khách hàng có thể mở thẻ tại nhiều ngân hàng, khoản nợ của khách hàng ở một ngân hàng mà quá hạn, chuyển nhóm nợ thì sẽ chuyển nhóm nợ tương tự ở ngân hàng khác. Trong một tháng, số nợ cần cơ cấu từ thẻ tín dụng của Sacombank có thể lên tới nghìn tỷ đồng, theo đó Ngân hàng phải tìm cách phối hợp cùng các ngân hàng khác thu hồi nợ. Thực tế cho thấy nợ quá hạn sẽ tăng, do ảnh hưởng của thẻ tín dụng”, bà Diễm nói.
Trước kiến nghị của các ngân hàng liên quan tới Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng tuyên bố, NHNN sẽ xem xét và sẽ sửa đổi nếu thấy cần thiết, nhất là liên quan đến thời hạn cơ cấu lại nợ. Cần thiết nữa thì sẽ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng…
“NHNN sẽ nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề kiến nghị cho vay tái cấp vốn, xử lý trên thực tế khi phát sinh đề xuất của tổ chức tín dụng”, Thống đốc nói.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị tăng thời gian cơ cấu lại nợ lên 18 hoặc 24 tháng, thay vì mức 12 tháng như tại Thông tư 01. Lý do là dịch bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 -12 tháng tới và sau đó, doanh nghiệp cần thời gian phục hồi.
Nhuệ Mẫn