Theo báo SCMP, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 20/4 không nêu cụ thể lý do tại sao ông tin dịch bệnh, đã khiến 2,5 triệu người nhiễm bệnh và làm hơn 170.069 người thiệt mạng, có thể xấu đi.
Tuy nhiên, trước đây, ông Tedros và nhiều người khác từng chỉ ra rằng bệnh dịch có thể lây lan ở châu Phi, nơi hệ thống y tế còn nghèo nàn.
“Hãy tin tôi. Điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước chúng ta”, ông Tedros tuyên bố trước các phóng viên từ trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. “Hãy ngăn thảm kịch đó lại. Đó là con virus mà cho tới giờ mọi người vẫn chưa hiểu về nó”.
Hiện, nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã dần nới lỏng các biện pháp phong toả như cách ly, đóng cửa trường học và các hoạt động kinh doanh, hạn chế tụ tập đông người với lý do số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 đã giảm.
Ông Tedros và WHO vẫn đang ở thế phòng thủ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump – nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho WHO, ra lệnh ngừng góp tiền cho cơ quan này hồi tuần trước. Ông Tedros nói: “Trong WHO không có bí mật nào vì giữ bí mật là nguy hiểm. Đó là vấn đề sức khoẻ”.
Nhiều ca nhiễm Covid-19 không bộc lộ triệu chứng
Theo AP, một loạt nghiên cứu mới cho thấy có rất nhiều người nhiễm virus corona chủng mới song không có triệu chứng. Điều này làm dấy lên hy vọng virus này ít chết chóc hơn so với đánh giá ban đầu.
Dù đây là tin tốt, song điều đó có nghĩa là bạn không thể biết ai quanh mình có thể nhiễm bệnh. Việc này gây thêm khó khăn cho quyết định trở lại làm việc, đi học trở lại và mọi thứ trở về cuộc sống bình thường.
Người đứng đầu Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho hay, 25% số người nhiễm virus corona chủng mới có thể không có triệu chứng nào. Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng John Hyten cho rằng, con số này rất cao – lên tới 60-70% trong số quân nhân Mỹ.
Ca tử vong vì Covid-19 ở Pháp vượt mốc 20.000
Ngày 20/4, Pháp chính thức ghi nhận hơn 20.000 người chết vì virus corona chủng mới, trở thành nước thứ 4 trên thế giới vượt mốc này, sau Italia, Tây Ban Nha và Mỹ. Số ca nhiễm và tử vong ở Pháp đang trên đà tăng lại sau vài ngày có dấu hiệu giảm, theo Reuters.
“Đại dịch vẫn rất chết chóc và còn lâu mới qua”, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Pháp Jerome Salomon nói tại một cuộc họp báo. Ông này cho biết, số người tử vong vì Covid-19 hiện cao hơn nhiều số người chết trong đợt nóng năm 2003.
Iran mở cửa bất chấp nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ hai
Iran ngày 20/4 bắt đầu mở các tuyến đường liên thành phố, cũng như các trung tâm mua sắm lớn nhằm kích thích kinh tế đang bị các lệnh trừng phạt đè nặng.
Việc mở cửa vẫn diễn ra dù có nhiều lo ngại rằng, điều này sẽ dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Truyền hình quốc gia Iran trích lời phát ngôn viên Bộ Y tế nước này cho hay, ngày 20/4, Iran ghi nhận thêm 91 người thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số người chết lên 5.209 người.
Hoài Linh