Nhiều “ông lớn” ngành dệt may lỗ đậm vì dịch

Nhiều “ông lớn” ngành dệt may lỗ đậm vì dịch
Việc đơn hàng bị sụt giảm mạnh đến 80% trong các tháng đầu năm nay đã khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may sụt giảm. Kết thúc quý I/2020, nhiều doanh nghiệp ngành này đã báo lỗ kỷ lục hàng tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB) thì doanh thu trong quý của doanh nghiệp này đạt gần 1,063 tỷ đồng, chỉ tăng tăng 4% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên công ty chỉ thu được hơn 174 tỷ đồng lãi gộp, giảm 14% so với cùng kỳ. Mặc dù đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng (giảm 2%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 12%) vẫn ở mức khá cao so với lợi nhuận gộp thu được. Do đó, May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8,7 tỷ dồng.

Việc kết quả kinh doanh đi xuống được May Nhà Bè giải trình là do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của các công ty con như May Đức Linh, May Nhà Bè - Hậu Giang, Công ty TNHH Giặt tẩy Nhà Bè lỗ so cùng kỳ và công ty liên doanh liên kết mới thành lập May Sóc Trăng thua lỗ vì tác động từ dịch.

Ông Đinh Văn Thập - Phó Tổng giám đốc của May Nhà Bè thừa nhận, dịch Covid-19 đã cán quét, làm cho nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và khiến các hợp đồng đã ký của công ty đều bị hủy hoặc không giao hàng, giao được hàng thì không nhận, nhận được thì không thanh toán tiền… Theo ông Thập, đây là bức tranh chung bởi hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đều bị giảm đơn hàng tới 80% trong các tháng vừa qua.

Cũng như May Nhà Bè, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) ghi nhận lỗ quý đầu tiên hơn 22 tỷ đồng. Theo VGG, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU (các thị trường xuất khẩu chủ yếu của May Việt Tiến), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng. Đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu thuần quý 1 giảm 15%, xuống còn 1,475 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí cho người lao động như lương tối thiểu, BHXH… đều tăng làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, kết thúc quý I/2020, May Việt Tiến ghi nhận lỗ hơn 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 85 tỷ đồng.

Theo Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, trong khi các doanh nghiệp lớn báo lỗ thì hầu hết doanh nghiệp nhỏ trong ngành này đã buộc phải ngừng hoạt động. Riêng với những doanh nghiệp có tiềm lực hơn thì đang tích cực xoay sở để vượt qua mùa dịch qua việc chuyển hướng sản xuất đồ bảo hộ y tế, khẩu trang hoặc cơ cấu lại dây chuyền, giờ làm việc của người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đang kỳ vọng trong tháng 9 tới nếu nước kiểm soát dịch tốt thì thị trường sẽ khả quan hơn.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện các doanh nghiệp đang kỳ vọng rằng các thị trường EU, Mỹ sẽ hồi phục vào cuối tháng 9 hoặc cuối năm; riêng thị trường Nhật Bản sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh vào tháng 7, và đó cũng là thời điểm các doanh nghiệp trong ngành quay trở lại với hoạt động sản xuất chủ lực của mình.

Không riêng doanh nghiệp trong ngành dệt may mà hầu hết doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực từ dịch này. Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I của gần 570 doanh nghiệp từ hai sàn HOSE và HNX (tương đương 90% vốn hóa hai sàn) mà Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy, lợi nhuận ở cả hai sàn lần lượt giảm 13% và 7% so với cùng kỳ. Các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Mai Ca

Tags: Ngành Dệt May Lỗ Doanh Thu Lợi Nhuận Doanh Nghiệp Dệt May Báo Lỗ Kỷ Lục Mnb May Nhà Bè Kết Quả Kinh Doanh Báo Cáo Tài Chính Covid-19 May Việt Tiến Vgg Hose Hnx Sản Xuất Xuất Khẩu May Mặc