Từ tầng bậc văn hóa bản địa đặc sắc…
Được biết đến là thành phố lớn nhất vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam, vai trò thủ phủ của Buôn Ma Thuột không chỉ đến từ quy mô diện tích hay dân số; sâu sa hơn, vùng đất này trầm tích những tầng bậc văn hóa bản địa đặc sắc – vốn là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội và phát triển kinh tế.
Khởi thủy, Buôn Ma Thuột là nơi cư trú của người Ê Đê. Trải qua biến thiên lịch sử, xứ sở cao nguyên bạt ngàn chứng kiến sự giao thoa và tiếp biến các giá trị vùng miền, từ cuộc du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc, đến hành trình viễn du của người Kinh với đủ sắc thái ba miền Bắc – Trung – Nam. Đến nay, với vị trí trung tâm vùng, Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắc Lắk nói chung trở thành nơi có đông dân tộc sinh sống nhất với 47 dân tộc anh em. Sự đa dạng của cộng đồng dân cư làm nên tính phong phú của văn hóa Buôn Ma Thuột. Rẻo đất này độc đáo với văn hoá vật thể và phi vật thể.
Đến với Buôn Ma Thuột, đặt chân vào Nhà Rông là cảm nhận được sự thiêng liêng của một không gian cộng đồng có chức năng gắn kết người dân buôn làng. Nhà Rông - biểu tượng văn hóa của dân tộc Tây Nguyên còn mang đến cho du khách sự hứng thú, phấn khích bởi công trình còn là hiện thân của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí… Nhà Mồ hay tượng Mồ Tây Nguyên cũng không đơn thuần là nơi chôn cất người quá cố mà còn mang đến cho du khách những xúc cảm chiêm nghiệm khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật giàu tính suy tưởng. Trong khi đó, tượng gỗ dân gian là những pho sử thi dung dị và mộc mạc về đời sống con người vùng đất đại ngàn thông qua lối kể của nghệ thuật ước lệ và tạo hình…
Linh hồn vùng đất Buôn Ma Thuột còn gắn với sự phong phú của văn hóa phi vật thể với các lễ hội dân gian, không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi… Trong đó, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột còn hấp dẫn con người muôn phương bởi vẻ đẹp huyền thoại của các lễ hội như Lễ hội đua voi, Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội cầu mưa, Lễ cúng bến nước… Các lễ hội đều đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và chuyên chở ước nguyện của người dân nơi đây về một cuộc sống tốt đẹp hơn…
…đến cảnh sắc thiên nhiên trời phú
Không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa bản địa đồ sộ, Buôn Ma Thuột còn là nơi những di tích, danh lam thắng cảnh đặc sắc hiện hữu. Vùng đất đại ngàn chan hòa nắng gió sóng sánh vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng, thác nước, những triền đồi đất đỏ, những rừng cà phê trắng trời hoa nở… Đến với Buôn Ma Thuột, du khách choáng ngợp và ngỡ ngàng trước sự hòa quyện của hoang dã và thơ mộng tại cụm 3 thác: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long nằm trên con sông Serepok, hay thác Thủy Tiên với 3 tầng kì vĩ tung bọt trắng xóa. Hồ Ea Kao e ấp nép mình bên triền cỏ xanh rì êm ái, đến Buôn Đôn, Buôn Ako Dhong thong thả cưỡi những chú voi, thấy mình bé nhỏ dưới gốc cây Kơ nia cổ thụ, lạc vào thảm thực vật xanh mướt mát của vườn quốc gia Vườn quốc gia Chư Yang Sin hay Yok Dôn, dừng chân với những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm độc đáo tại Bảo tàng Thế giới Cà phê…
Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắc Lắk nói chung còn có rất nhiều những di tích lịch sử cấp quốc gia như đình Lạc Giao, Biệt điện Bảo Đại Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Tòa giám mục Ban Mê Thuột, Hang đá Dak Tuar, Tháp Chàm Yang Prong…
Theo các chuyên gia bất động sản, những lợi thế này giúp Buôn Ma Thuột trở thành một điểm đến không thể bỏ qua. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi Buôn Ma Thuột trở thành đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên với vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, tạo đà cho thị trường bất động sản khu vực phát triển mạnh mẽ.
Ánh Dương