Sau khi bán ròng liên tiếp trong cuối quý III và IV/2019, khối ngoại được dự báo sẽ quay lại mua ròng trong năm 2020. Nguồn: internet
Dòng tiền khối ngoại sẽ trở lại?
Sau khi bán ròng liên tiếp trong cuối quý III và IV/2019, khối ngoại được dự báo sẽ quay lại mua ròng trong năm 2020. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc, khi lãi suất ở hai quốc gia này đang ở mức thấp sau khi Ngân hàng Trung ương của họ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất, trong khi VN-Index mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng tiềm năng hơn. Cụ thể VN-Index trong năm vừa qua tăng gần 7%, cao hơn mức tăng 6,3% của chỉ số Kospi Hàn Quốc và 0,6% chỉ số SET của Thái Lan.
TTCK Việt Nam cũng sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 từ mức hơn 12% hiện nay lên đến 30%, khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI thị trường mới nổi dự kiến vào tháng 5/2020.
Hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể sôi động trở lại trong năm 2020, khi tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đang ở mức rất thấp, do đó năm 2020 cần phải chạy nước rút. Với hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn hoặc tiếp tục thoái vốn nhà nước như VEA, PLX, Agribank, HVN, Tập đoàn Than khoáng sản, Mobifone, VNPT, Tổng công ty xi măng... thị trường cũng có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là hạn chót các ngân hàng phải niêm yết. Khi hàng hóa phong phú hơn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm nhiều lựa chọn bên cạnh các ngân hàng đang niêm yết hiện nay vốn đã đầy room. Hiện tại, chỉ mới có hơn 50% số lượng ngân hàng đã niêm yết và còn đến 17 ngân hàng chưa niêm yết, trong khi mục tiêu đề ra 100% nhà băng phải hoàn tất việc niêm yết trong năm nay.
Vĩ mô tích cực và thăng hạng thị trường
Với GDP tăng trưởng tích cực trong năm 2019, tạo đà cho xu hướng đi lên trong giai đoạn tới. Việc tính toán lại GDP cũng sẽ mở đường cho các tỷ lệ an toàn xuống thấp hơn so với ngưỡng hiện nay, tạo điều kiện cho Chính phủ tìm thêm vốn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, hỗ trợ thêm cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, với xu hướng dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào mạnh, tỷ giá giữ vững, mặt bằng lãi suất giảm sau hàng loạt động thái quyết liệt gần đây của nhà điều hành, sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiết giảm chi phí và kinh doanh hiệu quả hơn, nâng hệ số sinh lời lên mức cao hơn trong năm 2020. Theo dự báo của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận ròng của 50 công ty có vốn hóa lớn nhất cho năm 2020 sẽ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng trong năm 2019 (khoảng 22% so với 16%).
Luật chứng khoán mới được thông qua vào cuối tháng 11/2019 cũng sẽ có những tác động tích cực dần trong tương lai, như tăng nguồn cung cho thị trường khi tất cả cổ phiếu sẽ được niêm yết tại một sàn duy nhất sau hợp nhất HOSE và HNX; giải quyết vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài thông qua NVDR. Nhiều dự báo cho thấy, VN-Index có thể lên tới hơn 1.100 điểm trong năm nay.
Hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể sôi động trở lại trong năm 2020, khi tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đang ở mức rất thấp, do đó năm 2020 cần phải chạy nước rút.
Trong khi khả năng được MSCI nâng hạng có thể mất nhiều thời gian hơn do có những quy định khắt khe hơn, thì kịch bản FTSE sớm nâng hạng đang được mong chờ vì quy định của tổ chức này dễ dàng hơn, nhất là số lượng tiêu chí mà Việt Nam chưa thỏa theo chuẩn đặt ra của FTSE không còn là bao. Trong trường hợp chưa thể nâng hạng kịp trong năm 2020, nhưng câu chuyện này vẫn sẽ là chất xúc tác quan trọng cho thị trường, khi có thể kích thích các nhà đầu tư nội lẫn ngoại tham gia sớm để đón đầu thị trường khi chính thức được nâng hạng.
Dù vậy, vẫn có một số rủi ro có thể tác động tiêu cực lên thị trường trong năm nay, như các cuộc đàm phán Mỹ - Trung tiếp theo nếu bị đổ vỡ, căng thẳng leo thang trở lại và một thỏa thuận thương mại toàn diện ngày càng xa vời sẽ ảnh hưởng xấu lên tâm lý nhà đầu tư. Bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay cũng có thể mang đến cú sốc cho thị trường Mỹ khi các chỉ số chứng khoán nước này liên tiếp lập đỉnh cao mới trong năm qua, vì vậy rủi ro sụp đổ ngày càng cao hơn và nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lên chứng khoán Việt là tất yếu. Ngoài ra, rủi ro địa chính trị, với Trung Đông đang là tâm điểm cũng có thể thúc đẩy dòng vốn thoát khỏi những tài sản rủi ro như chứng khoán và chạy đến những tài sản trú ẩn an toàn.
Khánh Phương