Nước ngoài mua 19% vốn hãng pin con thỏ nổi tiếng một thời

Nước ngoài mua 19% vốn hãng pin con thỏ nổi tiếng một thời
Thông qua đợt thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã chi gần 41 tỷ đồng để mua 19% vốn Công ty Pin Hà Nội, chủ sở hữu thương hiệu pin con thỏ nổi tiếng.

Ảnh: Internet

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đấu giá cổ phần tại Công ty CP Pin Hà Nội (PHN) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bán đấu giá.

Theo đó, Vinachem đã đăng ký bán đấu giá toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Pin Hà Nội chiếm 21% vốn công ty. Kết quả, có một nhà đầu tư tổ chức và 2 nhà đầu tư cá nhân trúng giá lô cổ phần PHN với giá trúng 29.700 đồng/cổ phần, bằng giá khởi điểm.

Tổng số cổ phần Pin Hà Nội được bán thành công đợt này là 1.379.000 đơn vị, tương đương 90,5% lượng cổ phần chào bán. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua tới 1.377.900 cổ phần, tương đương 19% vốn điều lệ công ty.

Ước tính, nhóm nhà đầu tư nước ngoài này đã phải chi ra gần 41 tỷ đồng cho thương vụ.

Tuy báo cáo kết quả đấu giá của HNX không công bố nhà đầu tư nước ngoài gom lô cổ phiếu PHN nói trên, nhưng nhiều khả năng nhà đầu tư mua lô cổ phần này có liên quan tới cổ đông lớn hiện tại của Pin Hà Nội - Tập đoàn Pin GP. Hiện cổ đông ngoại này sở hữu 30% vốn công ty.

Pin Hà Nội là chủ sở hữu thương hiệu pin con thỏ nổi tiếng một thời. Ảnh: Habaco.

Pin Hà Nội tiền thân là Nhà máy Pin Văn Điển được thành lập từ đầu năm 1960. Đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc khi đó sản xuất và cung cấp pin ra thị trường. Công suất thiết kế ban đầu của nhà máy là 5 triệu viên/năm, sản xuất chủ yếu là pin R20 và R40.

Sản phẩm của Pin Hà Nội cũng nổi tiếng với thương hiệu pin con thỏ từng chiếm 100% thị phần tại miền Bắc. Thông qua thương hiệu nổi tiếng này, công ty hiện vẫn chiếm khoảng 40% thị phần cung cấp pin cả nước.

Đặc biệt, các sản phẩm của Pin Hà Nội chiếm đa số thị phần tại thị trường miền Bắc và Tây Nguyên. Lãnh đạo công ty này khẳng định, pin con thỏ đã xây dựng được thương hiệu mạnh mà các công ty khác không dễ dàng thâm nhập thị trường.

Trên thị trường cũng tồn tại các nhà sản xuất nhỏ lẻ nhưng khó cạnh tranh với pin con thỏ vì ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao.

Ngoài thị trường trong nước, tỷ lệ xuất khẩu hiện tại của Pin Hà Nội chiếm 30% tổng doanh thu, chủ yếu thông qua việc xuất khẩu cho tập đoàn pin quốc tế GP vào thị trường Ấn Độ và Brazin. Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu pin đi một số thị trường trong khu vực như Singapore, Lào, Campuchia…

Kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù nên doanh thu của Pin Hà Nội tương đối ổn định, hai năm gần nhất doanh thu đạt trên 350 tỷ đồng với biên lãi gộp xấp xỉ 15%/năm. Phần lớn doanh thu của công ty cũng đến từ các sản phẩm pin (trên 97%).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Pin Hà Nội bán ra thị trường xấp xỉ 250 triệu viên pin, giảm 20 triệu viên so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày công ty bán khoảng 912.000 viên pin các loại.

Cùng với sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu ghi nhận cũng giảm gần 5%, còn 258 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong khi đó, lợi nhuận công ty thu về lại tăng 55%, đạt hơn 23 tỷ đồng.

Với kết quả này, HĐQT công ty đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 với việc giảm sản lượng tiêu thụ pin cả năm đi 5%, còn 345,2 triệu viên. Doanh thu kế hoạch cũng điều chỉnh giảm 7%, ước đạt 350 tỷ và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh tăng 10%, đạt 27 tỷ đồng cho cả năm.

Với kế hoạch kinh doanh mới, sau 9 tháng từ đầu năm, Pin Hà Nội đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận.

Ước tính, sản lượng tiêu thụ pin do công ty cung cấp sang năm 2020 sẽ tăng 5%, đạt 364 triệu viên. Nhờ đó, doanh thu từ pin cũng tăng lên 355 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến là 31 tỷ đồng.

Quang Thắng

Tags: Pin Con Thỏ Công Ty Pin Hà Nội Thoái Vốn Pin Văn Điển Cổ Phần Hóa Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Pin Con Thỏ Lên Sàn