Doanh số giảm mạnh
Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ( VAMA) cho biết, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 4/2020 chỉ đạt 11.761 xe các loại, giảm tới 39% so với tháng 3/2020 và 44% so với cùng kỳ 2019.
Tất cả các DN ô tô đều chịu doanh số sụt giảm mạnh. Toyota Việt Nam mặc dù vẫn dẫn đầu thị trường với 2.803 xe nhưng đã giảm tới 33% so với cùng kỳ 2019. Kia bán được 1.318 xe, giảm 46% so với cùng kỳ 2019. Mazda bán được 1.329 xe, giảm 49% so với cùng kỳ 2019. Ford bán dược 702 xe, giảm 68% so với cùng kỳ 2019. Mitsubishi bán được 876 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019. Honda bán được 843 xe, giảm 52% so với cùng kỳ 2019...
Ngoài VAMA, Công ty TC Motor có doanh số bán đạt 2.206 xe các loại trong tháng 4/2020, giảm mạnh so với con số 6.176 xe của tháng 4/2019.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 60.825 xe các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Xe du lịch giảm 37%, xe thương mại giảm 30% và xe chuyên dụng giảm 36%. Xe lắp ráp trong nước giảm 33% trong khi xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kì năm ngoái.
Các DN đánh giá, hiện tượng cung vượt cầu diễn ra từ cuối năm 2019, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh số toàn thị trường ngày càng đi xuống. Đây là thời điểm khó khăn nhất ngành ô tô Việt Nam. Với các DN trong chuỗi giá trị như vận tải, nhà cung ứng, nhà phân phối,... cũng gặp khó khăn dây chuyền, doanh thu giảm đáng kể.
Báo cáo tài chính quý 1/2020 từ một số DN phân phối ô tô lớn cũng cho thấy tình trạng khó khăn, cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) quý 1/2020 có doanh thu sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đi xuống trong khi chi phí không được tiết giảm tương ứng khiến Savico lỗ 27 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Công ty Cổ phần City Auto, nhà phân phối xe Ford lớn nhất cả nước, cũng ghi nhận mức giảm doanh thu 24% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ 2019. Dù đã cắt giảm tối đa các chi phí bằng cách giảm nhân sự, giảm lương và được chủ mặt bằng giảm giá cho thuê, lợi nhuận ròng chỉ đạt 460 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco), đơn vị phân phối xe sang Mercedes-Benz, cũng sụt giảm doanh thu 15% trong quý 1/2020. Lợi nhuận sau thuế của Haxaco rớt xuống 3 tỷ đồng, mức thấp nhất 2 năm.
Tháng 4 vừa qua các DN bán lẻ ô tô này còn chịu doanh số mạnh hơn nữa, với mức giảm tới trên 30% so với thời điểm tháng 3/2020. Hàng tồn kho lớn, chi phí không giảm nhiều, nhưng doanh số bán giảm mạnh, khiến tất cả DN đều thua lỗ.
Giá tiếp tục giảm?
Dự báo của các DN cho thấy, tình hình bán hàng hai tháng còn lại của quý 2/2020 cũng rất ảm đạm. Nhu cầu mua xe giảm chưa rõ kéo dài bao lâu. Công ty Honda Việt Nam nhận định, do tác động của dịch Covid-19, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm 2020 có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo, doanh số giảm. Các DN khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra. Sản lượng ô tô sản xuất sẽ giảm.
Ghi nhận thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy có khoảng 30 mẫu xe giảm giá. Trong đó, một số xe được người tiêu dùng ưa chuộng lâu nay giá giảm khá mạnh như Toyota Fortuner, Toyota Innova, Mazda CX-8, Honda CRV, Ford Everest, Explorer, Volswagen Tiguan Allspace, Volswagen Passat đều giảm giá từ 100 triệu đồng lên đến gần 300 triệu đồng/chiếc để xả hàng tồn kho. Giá xe giảm mạnh nhưng vẫn không có khách hàng.
Dự báo thị trường ô tô sắp tới giá vẫn tiếp tục giảm. Doanh số bán tại Thái Lan và Indonesia cũng sụt giảm mạnh, lượng tồn kho tăng. Vì vậy, các DN ô tô ngoài tung các chương trình kích cầu trong nước, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Việt Nam là thị trường quan trọng trong khu vực, sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế suất 0%.
Trong khi đó, quy định mới về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hiện vô cùng thông thoáng. Chỉ cần 7 ngày đã hoàn tất thủ tục nhập một lô xe, với chi phí giảm đáng kể, thay vì 45 ngày như trước. Ô tô nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Thái Lan và Indonesia có những giải pháp hỗ trợ ngành ô tô nước này. Giá xe nhập sẽ tiếp tục giảm, cạnh tranh mạnh với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Do đó, ô tô trong nước sẽ thêm phần khó khăn. Doanh số bán sụt giảm mạnh dịch Covid -19, lại phải cạnh tranh về giá với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Không bán được hàng, DN lao đao. Các chi phí cơ bản hàng tháng rất lớn, trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh sẽ khiến DN mất cân đối tài chính. Tình hình này kéo dài, nhiều DN sẽ đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động.
Một DN ước tính, nếu doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước giảm trên 10% trong năm 2020, sẽ có khoảng 5% số lao động bị cắt giảm việc làm. Đấy là chưa kể nhiều lao động khác sẽ bị giảm lương.
Để duy trì hoạt động, các DN ô tô kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích cầu, như giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế giá trị gia tăng cho khách hàng khi mua ô tô. Giảm lãi suất cho vay từ 5-6% đối với DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô, cùng với đó các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất cho khách hàng vay mua xe trả góp. Tuy vậy, Bộ Tài chính lại không đồng tình và đã bác bỏ các đề xuất về giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế giá trị gia tăng với ô tô.
Trần Thủy