“Ông trùm nước mắm” bất ngờ mất hơn 10.000 tỷ đồng vốn hoá sau “bom tấn” M&A

“Ông trùm nước mắm” bất ngờ mất hơn 10.000 tỷ đồng vốn hoá sau “bom tấn” M&A
Mã cổ phiếu của “ông trùm nước mắm” đã có 4 phiên liên tục đi xuống kể từ đầu tháng đến nay. Tổng mức thiệt hại về vốn hoá thị trường đến thời điểm tạm dừng phiên trưa nay đã là 10.637,4 tỷ đồng.

Sản phẩm của Masan - Ảnh minh họa

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan (Masan Group) sáng ngay (5/12) tiếp tục giảm sâu, mất 1.600 đồng/cổ phiếu tương ứng 2,56% xuống còn 60.900 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá thị trường của ông lớn này cũng “bốc hơi” thêm 1.870,3 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị doanh nghiệp này được định giá vào khoảng 71.188,8 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu của “ông trùm nước mắm” đã có 4 phiên liên tục đi xuống kể từ đầu tháng đến nay. Tổng mức thiệt hại đến thời điểm tạm dừng phiên trưa nay đã là 9.100 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường của Masan Group sau gần 4 phiên vừa qua đã giảm 10.637,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu MCH của Masan Consumer trên thị trường UPCoM cũng đánh mất 5.700 đồng còn 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, ông chủ của loạt thương hiệu hàng tiêu dùng đình đám như nước mắm Nam Ngư, nước tương Chin-su, mì Omachi... (Ảnh minh họa)


Mới đây, thương vụ Masan Consumer sẽ nhận sáp nhập Vincommerce và VinEco từ Vingroup đã làm “nóng” thị trường. Giới chuyên gia tài chính đánh giá, thương vụ này sẽ hỗ trợ đáng kể cho Masan Consumer trong chiến lược phát triển ngành hàng tiêu dùng.
Hiện Masan Consumer nắm giữ một hệ sinh thái sản xuất và 180.000 điểm phân phối hàng tiêu dùng với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Vinacafe Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Meatlife... Trong khi đó, Vincommerce có 120 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi và VinEco có 30.000ha diện tích đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, lý giải cho tình trạng giảm giá của MSN trong những phiên gần đây, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long thì diễn biến thường lệ của giá cổ phiếu ngay sau công bố thương vụ M&A giống như bao thương vụ khác trên thế giới: Bên mua sẽ chịu rủi ro từ khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng từ vụ sáp nhập. Cụ thể là rủi ro về việc nắm quyền kiểm soát cũng như lợi ích trong định giá thương vụ…
Trở lại với thị trường chứng khoán sáng nay, nhịp tăng vẫn tiếp tục được giữ nhưng biên độ tăng của các chỉ số đã thu hẹp đáng kể. VN-Index tăng 0,72 điểm tương ứng 0,07% lên mức 966,62 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm tương ứng 0,15% lên 102,63 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index điều chỉnh giảm 0,11 điểm tương ứng 0,19% còn 55,8 điểm.
Với sự thận trọng của nhà đầu tư, nhịp giao dịch thị trường trở nên chạm lại. Khối lượng giao dịch trên toàn sàn HSX chỉ ở mức 88,69 triệu đơn vị tương ứng 1.681,6 tỷ đồng và con số này trên HNX là 12,38 triệu cổ phiếu tương ứng 125,34 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối lượng giao dịch là 4,81 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 59,99 tỷ đồng.
Có 992 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch nào trong phiên. Thanh khoản tập trung tại 3 mã cổ phiếu là AMD, FLC và ROS. Các mã này trong sáng nay được giao dịch mạnh, khối lượng giao dịch hơn 7,5 triệu đơn vị mỗi mã.
Tương quan mã tăng - giảm trên quy mô toàn thị trường khá cân bằng. Nếu số lượng mã tăng là 254 mã và 37 mã tăng trần thì phía giảm có 249 mã, 21 mã giảm sàn.
Sự giằng co của chỉ số một phần do phân hoá trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Nếu như VHM, VIC, VCB, VRE, SAB tăng giá thì chiều ngược lại, MSN, BID, BVH, VPB, MBB lại giảm.
Với phiên hôm nay, phần lớn nhận định từ giới phân tích đều khá trung lập. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SHS, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục kỹ thuật với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 970 điểm.
Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua trước đó và đứng ngoài quan sát thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư ngắn nên hạn chế mua vào trong vùng giá hiện tại và nếu có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể căn những nhịp hồi lên quanh vùng 970 điểm để bán giảm một phần tỷ trọng.
Còn theo công ty chứng khoán MBS, đà giảm của thị trường tạm thời bị chặn ở ngưỡng 950 điểm trong 2 phiên vừa qua, lúc này áp lực bán đã giảm đáng kể do nhịp điều chỉnh kéo dài. Tuy vậy, một phiên tăng cũng chưa thể khẳng định được xu hướng của thị trường đã đảo chiều hay chưa, bởi ở ngưỡng 970 điểm trước đó thị trường cũng dừng lại 5 phiên nhưng vẫn giảm tiếp.
MBS nhận xét, thanh khoản sụt giảm nhẹ mặc dù mặt bằng cổ phiếu tăng trên diện rộng đã cho thấy nhà đầu tư còn nghi ngờ và vẫn chờ đợt các tín hiệu rõ ràng hơn.

Mai Chi

Tags: Tập Đoàn Masan Masan Group Nước Mắm Nam Ngư Nước Tương Chin-Su Mì Omachi Vingroup Sáp Nhập Vineco Vincommerce