Cựu chủ tịch của một trong những công ty tham nhũng của Trung Quốc thú nhận đã nhận hối lộ hàng triệu nhân dân tệ và cất giữ trong két sắt tại một căn hộ ở Bắc Kinh.
Lai Xiaomin, cựu giám đốc của Công ty quản lý tài sản Huarong Trung Quốc, đã bị buộc tội nhận hối lộ và tham nhũng ở một trong những vụ đại án tài chính lớn nhất của Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, ông thú nhận trong một đoạn phim tài liệu truyền hình nhà nước Trung Quốc là “ông thích trả mọi thứ bằng tiền mặt” và nói rằng ông đã giữ hơn 200 triệu nhân dân tệ tiền mặt (hơn 672 tỷ đồng) trong căn hộ của mình.
“Sau khi nhận được tiền, tôi chỉ để nó ở đó, giống như cất giữ một mặt hàng mua được trong siêu thị mà thôi. Tôi đã không tiêu một xu. Số bị tịch thu là tất cả số tiền tôi nhận (hối lộ)”, ông Lai, 57 tuổi, mặc một chiếc áo polo màu xanh xám, cho biết trong chương trình.
Những lời thú tội như của Lai, đang trở nên dần phổ biến hơn ở Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt sự kìm kẹp để hạn chế tham nhũng của quốc gia. Chủ tịch Tập cũng đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề khác như sự tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong ba thập kỷ, rủi ro tài chính gia tăng, tranh chấp thương mại với Mỹ và sự bất ổn ngày càng tăng ở Đài Loan và Hồng Kông.
Các nhà chức trách đang có lập trường ngày càng cứng rắn với các công ty nhà nước Trung Quốc, mở rộng những cuộc điều tra tham nhũng trong bảy năm của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Hai, chủ tịch Tập cho biết, nhà nước cũng sẽ cứng rắn trừng phạt những người chịu trách nhiệm về tham nhũng liên quan đến rủi ro nợ của các địa phương. Trung Quốc đang ở giữa một làn sóng vỡ nợ kỷ lục khi tăng trưởng chậm lại, thậm chí các công ty được nhà nước hậu thuẫn hiện đang liên tiếp phải báo vỡ nợ trái phiếu.
Bị bắt giữ vào năm 2018, Lai bị buộc tội nhận hối lộ 1,65 tỷ nhân dân tệ, những người trong cuộc cho biết. Ông bị phát hiện sở hữu một số lượng lớn tài sản không có nguồn gốc rõ ràng, bao gồm đồng hồ xa xỉ, xe hơi, vàng và những bộ sưu tập nghệ thuật.
Những tiết lộ của Lai đã là một chủ đề nóng của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các tổ chức nhà nước hàng đầu nhà nước. Ngân hàng Trung ương đã nói rằng hành động của Lai đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nhà nước, làm suy yếu cả an ninh tài chính và sự ổn định của quốc gia. Truyền thông nhà nước gọi ông là “quan chức tài chính tham nhũng nhất quốc gia”.
Một loạt các quan chức trước đó đã bị cuốn vào trong chiến dịch của chủ tịch Tập Cận Bình, bao gồm Yang Jiacai, cựu phó chủ tịch tại Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc, Yao Gang phó chủ tịch ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc và Wu Xiaohui, người giám sát Anbang Group Co. Họ đều bị kết án ít nhất 16 năm tù. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, hơn 1 triệu quan chức chính phủ đã bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng.
Trong một trường hợp cao cấp khác, Chính phủ Trung Quốc tuần trước đã trục xuất cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Hu Huaibang sau khi phát hiện những hành vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của ông.
Lai là giám đốc của công ty Huarong từ năm 2012 cho đến khi ông gặp rắc rối vào năm 2018. Đây là một trong bốn công ty được thành lập vào năm 1999 để giúp cứu trợ hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang bị mắc nợ xấu.
Dưới thời Lai, hoạt động kinh doanh của Huarong đã được mở rộng sang các mảng chứng khoán, ủy thác và đầu tư tương lai, dần đi lệch khỏi nhiệm vụ xử lý các khoản nợ xấu. Người đứng đầu hoạt động quốc tế của công ty cho biết Lai chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và đầu tư mạnh vào các tài sản có rủi ro cao như tài sản và cổ phiếu. Lai cũng tạo ra một nền văn hóa “người nhà” bằng cách tuyển những người họ hàng của mình ở Giang Tây, theo các tài liệu.
Thùy Dung (Theo Bloomberg)