Phố Wall rớt thảm, S&P 500 “bay” 927 tỷ USD giá trị vốn hóa

Phố Wall rớt thảm, S&P 500 “bay” 927 tỷ USD giá trị vốn hóa
Chiếm hơn 44% vốn hóa thị trường của cổ phiếu toàn cầu, chỉ số S&P 500 trên thị trường Mỹ đêm qua “bốc hơi” 927 tỷ USD do lo ngại dịch Covid-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc.
Giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro và vội đặt cược vào những tài sản truyền thống như vàng và trái phiếu do lo ngại dịch Covid-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chỉ số S&P 500 và chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua rớt điểm mạnh nhất trong ngày trong vòng 2 năm qua, sau khi số ca nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc tăng vọt.

Giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro và vội đặt cược vào những tài sản truyền thống như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi Iran, Italy và Hàn Quốc xác nhận số ca nhiễm Covid-19 cuối tuần trước tăng vọt. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có diễn biến tích cực khi Bắc Kinh và nhiều thành phố khác không ghi nhận thêm ca nhiễm bệnh.

Howard Silverblatt, chuyên gia phân tích cao cấp của hãng S&P Dow Jones Indices cho biết, chỉ số S&P 500 - chiếm hơn 44% vốn hóa thị trường của cổ phiếu toàn cầu - “bốc hơi” 927 tỷ USD trong phiên giao dịch hôm 24/2 và con số này tăng lên 1.330 tỷ USD so với phiên lập đỉnh 19/2.

S&P và chỉ số chứng khoán blue-chip như Dow Jones đều rơi vào vùng tiêu cực. Đặc biệt, lần thứ 3 trong lịch sử, chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm trong ngày trong phiên giao dịch 24/2.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 3,71%, biến Nasdaq Composite có mức giảm sâu nhất trong ngày (xét về điểm phần trăm) so với 3 chỉ số bình quân chính trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Mark Luschini, chuyên gia phân tích đầu tư tại quỹ quản lý tài sản Janney Montgomery Scott (thành phố Philadelphia, Mỹ) nhận định: “Chúng ta không thể đạt mốc điểm cao hơn cho đến khi có bằng chứng rằng sự lây lan của dịch Covid-19 đang giảm tốc”.

Cụ thể, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones “bay” 1.031,61 điểm (tương đương 3,56%) còn 27.960,8 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 111,86 điểm (tương đương 3,35%) còn 3.225,89 trong khi chỉ số Nasdaq Composite trượt dốc 355,31 điểm (tương đương 3,71%) còn 9.221,28.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu trong rổ S&P đều nhuốm đỏ, trong đó cổ phiếu năng lượng trượt sâu nhất với 4,7%, theo sau là cổ phiếu công nghệ với mức giảm 4,2%.

So với phiên lập đỉnh ngày 19/2, chỉ số S&P 500 đóng cửa mất gần 5%, còn chỉ số Nasdaq và Dow Jones giảm lần lượt 6% và 5,4%.

Cổ phiếu Apple “bốc hơi” 4,8% khi số liệu cho thấy doanh số điện thoại thông minh tại thị trường Trung Quốc giảm hơn 1/3 vào tháng 1. Cổ phiếu các nhà sản xuất chip có quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng sụt giảm, với chỉ số bán dẫn SE Philadelphia mất 4,8%. Lo ngại các biện pháp hạn chế đi lại cũng khiến chỉ số NYSE Arca Airline lao dốc 6%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đêm qua lao đáy năm 2016, đồng thời xuất hiện hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đảo ngược, một dấu hiệu thường thấy của suy thoái kinh tế.

Chưa hết, tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ do lo ngại tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Theo đó, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I/2020 sẽ giảm từ 1,4% xuống 1,2% trong khi GDP quý IV/2019 tăng 2,1% và tăng trưởng cả năm đạt 2,3%.

Chỉ số VIX (CBOE - Cboe Volatility Index) - chỉ số đo lường biến động chung của thị trường chứng khoán - đã tăng cao nhất trong ngày kể từ tháng 2/2018 và kết thúc ngày giao dịch với 25,03, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 1/2019.

Lê Quân (Reuters)

Tags: Chứng Khoán Mỹ Phố Wall S&p 500 Dịch Bệnh Covid-19