Quản trị dữ liệu thúc đẩy tăng trưởng

Quản trị dữ liệu thúc đẩy tăng trưởng
Quản trị dữ liệu là tiền đề để tạo ra một môi trường kiểm soát tốt, mang đến những lợi ích hữu hình về mặt kinh doanh, tiết kiệm vốn, tạo điều kiện phát triển ngân hàng số.

Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn PwC Việt Nam (PwC) cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế tin tưởng các ngân hàng Việt Nam đang đi đúng hướng trong lộ trình trở thành các tổ chức quản trị dựa trên dữ liệu. Xuất phát từ bài toán cụ thể về đảm bảo chất lượng dữ liệu báo cáo rủi ro trong quá trình triển khai Basel II, các ngân hàng cũng đã nhanh chóng nhận ra, quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngân hàng tại thời điểm hiện tại. Đó cũng là cơ sở để xây dựng ngân hàng số,  thiết kế phân khúc khách hàng, phát triển sản phẩm thông qua các phân tích nâng cao một cách hiệu quả hơn...

Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện nay các định chế tài chính trên toàn cầu đang ngày càng chú trọng vào công tác quản lý dữ liệu như một tài sản chiến lược của doanh nghiệp. Thực tế, vai trò của dữ liệu ngày càng được nâng cao và bắt đầu tạo ra những bước đi tiên phong trong khai thác phục vụ các mục tiêu kinh doanh chiến lược của tổ chức, ngân hàng. Đặc biệt, mục tiêu quản lý dữ liệu nhằm phục vụ các báo cáo tuân thủ và cải thiện hiệu quả hoạt động được nhấn mạnh.

Thời gian qua, ở nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng,người ta đã thương mại hóa tài sản dữ liệu, thông qua phân tích dữ liệu khách hàng nhằm cung cấp thông tin đa chiều về khách hàng, phục vụ phát triển sản phẩm mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng hoặc nắm bắt các cơ hội mới trong việc tiết kiệm chi phí hoạt động. Ở lĩnh vực này, rất nhiều tổ chức đã và đang không ngừng triển khai các sáng kiến đột phá nhằm tự động hóa hoạt động quản lý dữ liệu để đạt mục đích đó. Các hoạt động này bao gồm từ xây dựng các quy định mới về quản lý dữ liệu từ việc thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng Học máy (Machine Learning), khám phá Siêu dữ liệu (Metadata Discovery) và tự động hóa Truy xuất nguồn dữ liệu (Data Lineage), cho tới việc tạo ra các báo cáo quản trị dữ tự động và đưa các công cụ quản trị dữ liệu lên điện toán đám mây (cloud).

Thực tế tại Việt Nam, các ngân hàng hiện đang tiếp cận quản trị dữ liệu theo hai phương pháp chủ đạo là đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình kinh doanh và kiểm soát dữ liệu để phục vụ mục đích tuân thủ, cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong vòng 2 năm trở lại đây, năng lực quản trị dữ liệu đã phát triển vượt bậc tại nhiều định chế tài chính trên toàn cầu, tuy vậy đối với ngân hàng trong nước vẫn còn một khoảng cách rất xa để đáp ứng kịp thời các nhu cầu kinh doanh và tuân thủ.

Ông David Yakowitz, Lãnh đạo toàn cầu về thực thi và tuân thủ BCBS 239 đã cho rằng, quản trị dữ liệu là một trong các yêu cầu được quy định ngày càng khắt khe của cơ quan quản lý về quản trị rủi ro và tuân thủ, điển hình là BCBS 239. Công việc trọng tâm trong quản lý dữ liệu là quản lý các thành tố dữ liệu quan trọng trên cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn nhất quán trên toàn tổ chức về định nghĩa dữ liệu, sở hữu dữ liệu, chất lượng dữ liệu….

“Quản trị dữ liệu là tiền đề để tạo ra một môi trường kiểm soát tốt, mang đến những lợi ích hữu hình về mặt kinh doanh, tiết kiệm vốn, tạo điều kiện phát triển ngân hàng số. Đối với các ngân hàng tại Việt Nam, quản trị dữ liệu là bước đệm quan trọng giúp hiện thực hóa tầm nhìn trở thành ngân hàng đi đầu trong việc lấy dữ liệu là nền tảng phát triển, giúp đáp ứng các yêu cầu theo Thông tư 41, Thông tư 13/NHNN” – ông David Yakowitz nói.

Công ty tư vấn PwC Việt Nam thực hiện khảo sát nhanh với 33 đại diện lãnh đạo ngân hàng Việt Nam về mức độ trưởng thành trong quản trị dữ liệu tại từng đơn vị. Trong đó, 88% câu trả lời đồng ý rằng quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn đầu tiên trong lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn hàng. Dưới 50% cho hay ngân hàng đã xây dựng chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn hàng hay quy định vai trò của các bên có liên quan đến dữ liệu. Hơn 66% cho hay ngân hàng chưa vận hành quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu. Chỉ 18% cho hay ngân hàng đã xây dựng kiến trúc công nghệ để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn hàng.

Tuyết Thanh

Tags: Ngân Hàng Dữ Liệu Doanh Nghiệp Quản Trị Dữ Liệu Ngân Hàng Số