Quay quắt khi “vàng đen” thất thế

Quay quắt khi “vàng đen” thất thế
Việt Nam đã và đang là quốc gia đứng đầu thế giới về XK hồ tiêu. Từng có thời điểm giá tiêu đắt đỏ tới mức được xem như “vàng đen”, biến bao ước mơ tỷ phú của dân nghèo thành hiện thực. Tuy nhiên, tình trạng giá tiêu “trượt dốc không phanh” những năm gần đây đang đẩy toàn ngành vào cảnh khó khăn, đẩy không ít nông dân vào cảnh khốn cùng.

Nhiều diện tích trồng tiêu chết đi để lại cọc tiêu trơ trọi và món nợ khổng lồ cho người trồng tiêu. Ảnh: Nguyễn Thanh

"Còng lưng" gánh nợ tiền tỷ

Đến với Gia Lai, đi sâu vào vùng "lõi" trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh trong những ngày cuối cùng của năm 2019, không khí ảm đạm bao trùm. Làng quê vắng vẻ, các gia đình thường chỉ thấy người già, trẻ nhỏ ở nhà. Hầu hết trong mỗi gia đình đều có người phải bỏ xứ đi làm ăn xa tại TPHCM, Đà Nẵng... để kiếm tiền trang trải cho những món nợ khổng lồ để lại từ thua lỗ đầu tư trồng hồ tiêu. Thi thoảng bắt gặp những tấm biển "bán đất" xuất hiện ngay sát cạnh các ngôi nhà cửa đóng then cài im ỉm, phủ mờ bụi đất.

Gặp chị Nguyễn Thị Hoa (tên nhân vật đã thay đổi), một hộ dân tại thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, chị bùi ngùi chia sẻ: Hiện nay, các hộ dân tại thôn Hòa Bình đều khá khó khăn. Cách đây 3-4 năm, cây tiêu bắt đầu chết dần chết mòn. Nhiều nương rẫy không còn bóng dáng cây tiêu. Một phần tiêu còn lại trên rẫy và trồng xung quanh nhà cũng sắp chết, vàng ươm. "Cách đây 4-5 năm, gia đình tôi vay khoản tiền 1 tỷ đồng để đầu tư trồng tiêu. Đến nay, có khoảng 5.000 trụ tiêu đã chết, còn hơn 1.000 trụ tiêu trên rẫy đang tiếp tục chết. Khoảng 2 năm nay, gia đình tôi không có đủ tiền để trả lãi cho ngân hàng vì còn chưa đủ ăn hàng tháng. Chồng phải đi làm ăn xa, con lớn học hết phổ thông cũng buộc phải nghỉ học vì gia đình không có tiền", chị Hoa xót xa nói.

Chưa nợ tới con số 1 tỷ đồng, song ôm khoảng nợ 300 triệu đồng cũng khiến ông Võ Hoài Nhơn (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đứng ngồi không yên. Khánh kiệt vì cây tiêu, hơn 1 năm nay, gia đình ông Nhơn đã treo biển "bán đất", song cũng chỉ duy nhất có 1 vị khách hỏi rồi không thấy quay lại.

Không quá bi đát đến mức phải bán đất, bán nhà trả nợ bởi đã từng đầu tư, thu hoạch tiêu ở thời kỳ giá tiêu "hoàng kim" nhất, ông Nguyễn Văn Tám (thôn Phú An, xã Ia hrú, huyện Chư Pưh) bày tỏ: Gia đình tôi đang nợ 750 triệu đồng, tôi đang cố gắng làm ăn để trả nợ. Xót xa nhất là những người dân nghèo mới chỉ kịp đầu tư mà chưa đến ngày thu hoạch. Cả thôn Ia hrú có khoảng 200 hộ dân, hầu như hộ nào cũng trồng tiêu. Làm càng nhiều, nợ càng lớn. Có khoảng 30% số hộ vay ngân hàng lên tới hàng tỷ đồng. Còn lại trung bình mỗi hộ vay vài trăm triệu đồng. "Hiện ước tính có khoảng 70% số hộ dân có người nhà xa xứ vào TP HCM làm thuê trả nợ. Trước đây, người dân huyện Chư Pưh làm giàu vì cây tiêu thì hiện nay cũng nghèo đi vì tiêu. Vấn đề nhức nhối nhất là người dân đang phải gánh nợ ngân hàng, trả lãi hàng tháng", ông Tám chia sẻ.

Nhìn về tổng thể sản xuất, XK hồ tiêu trong năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Khối lượng XK hồ tiêu ước đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Đáng chú ý, năm 2019, giá XK hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với năm 2018. Như vậy, sau 4 năm 2014-2017 là mặt hàng trong “top” nông sản XK tỷ USD, “bão giá” triền miên đã khiến hồ tiêu Việt bật khỏi “top” tỷ USD trong 2 năm liên tiếp là 2018 và 2019.

Diện tích tăng “nóng”, giá “lạnh” dần

Phân tích về câu chuyện hồ tiêu rớt giá, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, chủ yếu là bởi mất cân đối cung-cầu. Vào năm 2013, 2014 khi giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg, người nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao. Ngoài Việt Nam, diện tích tiêu ở các nước khác như Brazil, Campuchia… cũng tăng lên. Gộp lại, cung hồ tiêu thế giới cao hơn cầu nên giá tiêu sẽ thấp.

Minh chứng rõ ràng hơn cho câu chuyện ồ ạt tăng cung đẩy người trồng tiêu vào cảnh khốn cùng, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho hay: Quy hoạch trồng tiêu của Gia Lai đến năm 2020 là 6.000 ha. Tuy nhiên thời đỉnh điểm, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha (sản xuất nông hộ chiếm 97,4%, DN 2,6%). Khi tiêu được giá thì dù quy hoạch, khuyến cáo ra sao người dân cũng vẫn đổ xô làm tiêu. “Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng khi hồ tiêu được giá, người trồng tiêu còn tập trung bón nhiều phân vào gốc để tăng năng suất tiêu tới mức 8-9kg/gốc. Bị thúc quá nhiều khiến cây tiêu sinh ra nấm bệnh, sau đó hồ tiêu rơi vào tình trạng chết nhanh, mất diện tích”, ông An nói.

Xung quanh vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: Giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác. 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. 2 năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Chậm mà chắc

Tại “thủ phủ” hồ tiêu Gia Lai, giữa lúc rất nhiều hộ dân trồng tiêu quay quắt vì giá tiêu xuống thấp, nợ nần bủa vây, điểm đáng mừng là vẫn có những nông hộ ấm no, xác định sẽ gắn bó dài lâu với cây trồng tỷ USD một thời này.

Trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) ngay giữa buổi trưa oi ả một ngày cuối tháng 12/2019, ông Công cho hay: Hợp tác xã hình thành từ tháng 7/2017 với 15 thành viên ban đầu và tổng số vốn điều lệ chỉ 55 triệu đồng, trồng diện tích 50 ha tiêu và 40 ha cà phê. Đến nay, Hợp tác xã có 80 thành viên, trồng tổng diện tích hồ tiêu là 100 ha, trong đó có 16 ha hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của Hợp tác xã vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg.

“Hợp tác xã không có chuyện tồn kho hồ tiêu. Giá tiêu hữu cơ bán được cao hơn hẳn 150-200% so với hồ tiêu thông thường. Niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5 ha trồng hồ tiêu và doanh thu thu về là hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, tiêu của hợp tác xã chủ yếu bán cho DN. Thị trường nội địa khá tốt và thậm chí hợp tác xã có cả đối tác XK. Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng xuất nhiều chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...”, ông Công cho biết.

Vị Chủ tịch Hợp tác xã nhấn mạnh thêm: Hợp tác xã không yêu cầu tất cả xã viên làm tiêu hữu cơ. Quan trọng là các hộ dân cần làm tiêu theo hướng đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.

Từ câu chuyện của Hợp tác xã Tiêu Lệ Chí có thể thấy rằng, chính cách làm có tính toán, đi chậm mà chắc, nhấn vào chất lượng là yếu tố quan trọng giúp người trồng tiêu không bị “nhấn chìm” giữa cơn “bão giá” hoành hành suốt thời gian qua. Và đây là cách làm nhiều vùng trồng tiêu khác có thể xem xét, học hỏi.

Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ NN&PTNT nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế…

Ngoài các yếu tố trên, Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ: Thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Thanh Nguyễn

Tags: Vàng Đen Hồ Tiêu