Vướng mắc 3 năm chưa làm xong thủ tục ở dự án Phước Kiển
Tại hội nghị gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với lãnh đạo TP HCM nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển dự án diễn ra gần đây, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm CEO CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) nói rằng, doanh nghiệp có 6 dự án bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn, đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô 91 ha.
Đối với dự án này, bà Loan cho biết đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục, công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh.
"Các đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án của chúng tôi đã nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi rất đau lòng, không biết thủ tục dự án sẽ đi đâu về đâu", bà Loan nói.
Kế hoạch sử dụng đất của dự án Phước Kiển 91 ha đã được phê duyệt năm 2018, Quốc Cường Gia Lai cho biết, nhưng nay UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn, thì Sở Tài nguyên Môi Trường lại không đưa vào danh sách gia hạn. Thủ tục này, Sở Kế hoạch Đầu tư đang thụ lý, nhưng hiện nay Quốc Cường Gia Lai không được gia hạn vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 22/6/2019, bà Loan đã từng đề cập về vấn đề pháp lý của các dự án: "Chúng tôi cũng rất đau đầu, doanh nghiệp cứ ở lẩn quẩn trong vòng xoáy pháp lý. Nếu vấn đề pháp lý không được gỡ thì giá sản phẩm thành cao, sức mua không tốt và như vậy sẽ không có doanh thu".
Theo ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, những khó khăn về tiến độ pháp lý dự án đã ảnh hưởng và gây rất áp lực về dòng tiền Công ty. Kết quả, áp lực dòng tiền là lý do khiến Công ty không chia cổ tức 2018, Chủ tịch Loan hy vọng các cổ đông có thể chia sẻ với Công ty.
Thoái vốn dự án khủng
Có thể thấy vì vướng mắc tại các thủ tục pháp lý nên Quốc Cường Gia Lai phải trì hoãn các dự án, không có dòng tiền thu về và liên tục có động thái thoái vốn khỏi các dự án khủng.
Cụ thể, cuối tháng 10/2019, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua Nghị quyết cho phép chuyển nhượng 25% vốn góp tại công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng với giá chuyển nhượng từ 75 tỷ đồng trở lên.
Bà Nguyễn Thị Như Loan được ủy quyền tìm đối tác mua số vốn góp nêu trên, đàm phán ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn và các giấy tờ liên quan việc chuyển nhượng vốn góp.
Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng thành lập năm 2011 và hiện có vốn điều lệ 290 tỷ đồng. Đây là đơn vị phát triển dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng với tên thương mại Marina Complex.
Tính đến ngày 30/6/2019, Quốc Cường Gia Lai đã đầu tư 265,6 tỷ đồng vào Bến du thuyền này, tương đương 90% vốn điều lệ. 10% vốn còn lại do bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan đóng góp.
Trước đó, Công ty cũng có quyết định chuyển nhượng 18,6% vốn cổ phần tại Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng.
Chánh Nghĩa Quốc Cường là chủ đầu tư của dự án căn hộ C SkyView Bình Dương. Vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã giao gần 8.600 m2 đất tại Thành phố Thủ Dầu Một để Chánh Nghĩa Quốc Cường xây dựng dự án này.
Sau hàng loạt động thái thoái vốn thì khá bất ngờ là đầu tháng 2/2020, Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai đã phê duyệt chủ trương thành lập CTCP Bất động sản Quốc Cường Thuận An.
Theo đó, kể từ ngày 10/2, bà Nguyễn Thị Như Loan là người đại diện phần vốn góp tại Bất động sản Quốc Cường Thuận An. Phần vốn góp của Quốc Cường Gia Lai tại Công ty này là 255 tỷ đồng, tương ứng chiếm 51%.
Khá khó hiểu với động thái trên vì “sức khoẻ” của Quốc Cường Gia Lai đang khá thoi thóp, tình hình kinh doanh trong 2019 không mấy khởi sắc, bên cạnh đó thì số nợ ngày càng gia tăng, dòng tiền kinh doanh lại báo âm,...
Vay nợ hàng ngàn tỷ đồng
Trong cả năm 2019, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 858 tỷ đồng, giảm 17% so năm 2018. Tuy vậy, lãi ròng của Công ty báo giảm 18% về mức hơn 80 tỷ đồng. So kế hoạch đề ra, Công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lãi trước thuế.
Tại ngày 31/12/2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm tới 69 tỷ đồng (là năm đầu tiên dòng tiền kinh doanh âm kể từ năm 2016) trong khi tại thời điểm cuối năm 2018 ghi nhận dòng tiền dương hơn 830 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự chênh lệch do Công ty ghi nhận gia tăng hàng tồn kho, giảm khoản phải thu và tăng khoản phải trả.
Hàng tồn kho ghi nhận 8.500 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm 2019. Trong đó, bất động sản dở dang chiếm 8.033 tỷ đồng chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.
Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong tổng giá trị hơn 289 tỷ đồng thì dự án nông trường cao su chiếm hơn 244 tỷ đồng và dự án thủy điện Ayun Trung chiếm gần 45 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai vẫn còn khoản phải trả là tiền đã nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng.
Song song dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, lợi nhuận sụt giảm, hàng tồn kho tăng thì Công ty còn đối mặt với gánh nặng vay nợ khá lớn.
Nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai chiếm 7.130 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó Công ty có vay nợ tài chính ngắn hạn gần 77 tỷ đồng ở Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Chi nhánh Đà Nẵng và gần 9 tỷ ở Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Gia Lai.
Chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Gia Lai cũng là chủ nợ của Công ty với hơn 404 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn.
Song song đó, Công ty đang vay nợ của khá nhiều cá nhân, tổ chức với số tiền lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Quốc Cường Gia Lai đang mượn bà Nguyễn Thị Như Loan hơn 72 tỷ đồng.
Công ty còn mượn của bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái của bà Loan với số tiền cho mượn 35 tỷ đồng. CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường và CTCP Đầu tư Quốc Cường Land của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La) hiện cũng đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn 73 tỷ đồng và 193 tỷ đồng.
Như vậy, Quốc Cường Gia Lai đang mượn gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan hơn 370 tỷ đồng.
Anh Nhi