Rót 2 ngàn tỷ, làm chủ tịch 2 năm, bà Nguyễn Thị Nga bất ngờ rút lui

Rót 2 ngàn tỷ, làm chủ tịch 2 năm, bà Nguyễn Thị Nga bất ngờ rút lui
Bà Nguyễn Thị Nga rút khỏi doanh nghiệp lớn đã từng phải rót 2 ngàn tỷ để sở hữu và gần 2 năm làm chủ tịch. Trước đó bà Nga cũng rút khỏi vị trí chủ tịch Seabank

Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro (HTM) vừa ra thông báo về việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Nga thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT doanh nghiệp này với tỷ lệ tán thành 100%.

Như vậy, sau gần 2 năm nữ doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Nga đã rời khỏi doanh nghiệp thương mại lớn nhất Hà Nội. Trước đó, trong năm 2018, Vinamco - một công ty con của tập đoàn BRG do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT đã được chọn là nhà đầu tư chiến lược của Hapro. Doanh nghiệp này đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.

Ngày 24/6/2018, bà Nga được HĐCĐ bầu làm chủ tịch Hapro.

Hapro là một doanh nghiệp bán lẻ nội địa và xuất nhập khẩu khá nổi tiếng của Hà Nội. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều công ty con có thương hiệu được biết đến như Thủy Tạ, Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Gốm Chu Đậu,... và cả trăm mảnh đất vàng trên phạm vi cả nước. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này được giao nắm giữ 114 địa điểm tại Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có 96 địa điểm tại Hà Nội.

Ngay đầu năm 2020, Hapro công bố đã bán 4,58 triệu cổ phần Thực phẩm Hà Nội (HAF) theo phương thức thỏa thuận với giá 21.000 đồng/cp, thu về 96 tỷ đồng. Sau giao dịch, Hapro giảm tỷ lệ sở hữu từ trên 51% về còn 20%.

Trước đó, Hapro cũng đã bán ra thành công 637.500 cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ (tương đương 21,25%) với giá 82.000 đồng/cp để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 30%. Cổ phiếu TTJ tăng khoảng 4 lần trong năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG.

Cuối 2019, Hapro đã thoái toàn bộ hơn 7,2 triệu (hơn 53% vốn) tại Công ty Thương mại-dịch vụ Tràng Thi và đón 3 cổ đông lớn mới bên cạnh một cổ đông lớn khác là T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) - sở hữu 20%.

Thương mại-dịch vụ Tràng Thi là doanh nghiệp quản lý rất nhiều mặt bằng tại trung tâm Hà Nội hiện đang được cho thuê để kinh doanh siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và văn phòng cho thuê tại con phố Tràng Thi (Hoàn Kiếm), ở Cát Linh…

Đầu 2019, Hapro bán 21% Gốm Chu Đậu cho chính Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga. Đây là một thương hiệu gốm thuần Việt, có lịch sử hơn 700 năm tại vùng đất Hải Dương.

Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến là một doanh nhân nổi tiếng và là chủ tịch Tập đoàn BRG. Đây là một tập đoàn sở hữu rất nhiều sân golf ở Việt Nam và là chủ dự án thành phố thông minh đầu tiên của Hà Nội tại Đông Anh, với vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Ngân hàng SeABank dưới thời con gái bà Nga cũng ghi dấu ấn với sự phát triển về quy mô. Trong năm 2019, SeABank đã có kế hoạch phát hành 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Hồi đầu 2018, bà Nguyễn Thị Nga đã rời ghế chủ tịch SeABank sau 11 năm, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04. Đây là một sự thay đổi nhằm đáp ứng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. 

Bà Nga rời vị trí cao nhất tại SeABank và giữ chức vụ chủ tịch ở BRG. Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia Ban quản trị/Ban điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" BRG Group như Tập đoàn BRG, Công ty Intimex Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Khách sạn Thắng Lợi, CTCP Du lịch dịch vụ Hà Nội. Hiện, con gái bà Nguyễn Thị Nga là Lê Thu Thủy (1983) là Tổng giám đốc SeABank, kiêm phó chủ tịch HĐQT.

Cuối 2018, chồng bà Nga cũng đã mua gần 16,7 triệu quyền mua cổ phiếu SeABank phát hành tăng vốn. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu là chồng bà Nguyễn Thị Nga (phó chủ tịch SeABank) và bố của bà Lê Thu Thủy (TGĐ SeABank) đã mua số quyền nói trên từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ là doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Nga là chủ sở hữu và là chủ tịch HĐTV.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 13/1 chỉ số VN-Index ở quanh mức tham chiếu. Nhiều cổ phiếu dệt may và thủy sản quay đầu tăng khá mạnh. Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh. Giới đầu tư tiếp tục thận trọng và đánh giá những thiệt hại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải do bị gián đoạn với Trung Quốc.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp trong vài phiên tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ đi ngang quanh vùng giá 940 điểm. Đồng thời, thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, tức là áp lực bán chốt lời gia tăng ở nhóm cổ phiếu Largecaps và dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là ưu tiên gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/2, VN-Index tăng 3,01 điểm lên 937,68 điểm; HNX-Index tăng 3,74 điểm lên 108,52 điểm. Upcom-Index tăng 0,25 điểm lên 55,91 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,9 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Tags: Doanh Nghiệp T&t Group Vn-Index Hnx-Index Seabank Brg Group Upcom-Index