Trong cuốn sách có tựa đề Dogfight: How Apple and Google went to war and started a revolution (Tranh đấu: Con đường cạnh tranh của Apple, Google và cách họ tạo ra cuộc cách mạng), tác giả Fred Vogelstein đã chia sẻ những diễn biến trong cuộc gặp mặt giữa đội phát triển Android và đại diện Samsung diễn ra vào cuối năm 2004 tại Seoul (Hàn Quốc).
Andy Rubin khi đó đã nói về ý tưởng hệ điều hành cho di động có tên Android và viễn cảnh về sản phẩm trước nhiều lãnh đạo cao cấp của Samsung nhưng họ đã không hứng thú với điều đó. Những người đứng đầu Samsung cho rằng Android và kế hoạch tạo ra sản phẩm với thị phần khổng lồ của Rubin chỉ là trò đùa.
Theo Android Authority, bài phát biểu của Rubin kết thúc kéo theo vài phút tĩnh lặng trong căn phòng, rồi một trong số các vị lãnh đạo hỏi: “Anh và đội quân nào sẽ tạo ra thứ như vừa nói? Anh chỉ có 6 người. Anh đang hoang tưởng à?”.
"Cha đẻ" của Android hồi tưởng: “Cả phòng ồ lên cười tôi”. Nhưng Rubin và các cộng sự đã không mất nhiều thời gian để tìm được nhà đầu tư thực sự. Ít lâu sau cuộc họp đó, Google chi 50 triệu USD để mua đứt Android và thuê Rubin về làm với vai trò Phó chủ tịch cao cấp mảng nội dung di động và điện tử.
Và rồi những người đứng đầu Samsung bắt đầu nghĩ rằng họ có lẽ đã quyết định sai lầm. Một trong số họ đã gọi Rubin ngay sau ngày Google mua Android để biết liệu có thể gặp riêng nhằm “thảo luận về dự án rất, rất thú vị” mà anh đã trình bày trong buổi họp tại Seoul vài tuần trước hay không. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Giờ đây, Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới với hơn 2,5 tỉ thiết bị đang hoạt động sử dụng nền tảng này. Hơn 80% điện thoại thông minh toàn cầu chạy Android. Liệu Samsung có thực sự sai lầm khủng khiếp khi không mua Android khi cơ hội ngay trong tầm tay?
Google đã làm được một điều phi thường khi phát triển và quảng bá cho Android như ngày nay là điều không thể chối cãi. Chính tầm nhìn của “gã khổng lồ phần mềm” cùng sự nỗ lực đã thay đổi thế giới smartphone, mang đến tăng trưởng doanh thu cho những công ty như Samsung.
Trước khi Android trở nên hùng mạnh, Nokia là “vua” trong ngành smartphone. Samsung đã hạ bệ Nokia rồi chiếm “ngai vàng” năm 2012 phần lớn nhờ quyết định tập trung vào mảng điện thoại chạy Android, trong khi công ty Phần Lan vẫn tin vào tương lai của nền tảng Symbian.
Nếu Samsung mua thành công Android, câu chuyện trên có thể đã có kết cục khác. Google khiến Android thành công không có nghĩa Samsung làm được điều tương tự. Công ty có thể chỉ sử dụng Android trên sản phẩm của mình, hoặc bán bản quyền sử dụng nền tảng này cho các hãng khác, không giống như Google đang miễn phí cho tất cả.
Cả hai chiến lược dường như sẽ mang tới kết quả khác nhau cho hệ điều hành này. Các nhà phát triển có thể ít hứng thú tạo ra ứng dụng cho Android khi không có nhiều smartphone chạy nền tảng đó. Một thị trường nhỏ hơn đồng nghĩa ít cơ hội để kiếm nhiều tiền từ ứng dụng và game.
Android trong tay Samsung cũng có thể tạo ra cơ hội cho các hãng khác trên thị trường vì nền tảng không được phát triển với sức “càn lướt” như hiện nay. Microsoft có thể đã mang tới tác động lớn hơn tới thị trường nhờ nền tảng Windows Mobile, còn Symbia của Nokia biết đâu lại chuyển mình thành hệ điều hành mở, BlackBerry OS (RIM, nay có tên BlackBerry) cũng có cơ hội để tiến xa hơn nhờ các giải pháp mới, thay vì chết trong tiếc nuối.
Tất nhiên, các giả thiết trên chỉ là “nếu” bởi không ai có thể biết chắc chắn điều gì xảy ra khi Samsung quyết định mua Android từ năm 2004 (nhưng khả năng cao sẽ không đi chung con đường như Google đã làm). Một vài quyết định khác đi sẽ dẫn thị trường smartphone theo lối đi khác và không ai có thể biết trên con đường đó, Samsung có trở thành “vua sản xuất smartphone” hay không.
Như vậy, điều tưởng từng như là sai lầm to lớn nhất của Samsung hóa ra lại là vận may tốt nhất.
Anh Quân