Thông tấn TASS dẫn thông tin từ Cục điều phối trung tâm của Tổ hợp năng lượng nhiên liệu của Nga cho biết, sản lượng dầu của Nga năm 2019 đạt 560,2 triệu tấn, vượt mức 2017 và 2018 và gần đạt tới ngưỡng kỷ lục thời Liên Xô vào năm 1987 ở mức 569,5 triệu tấn.
Bộ Năng lượng Nga dự đoán rằng, sản lượng dầu thô trong nước có thể phải đối mặt với sự suy giảm trong những năm tới trừ khi cải cách thuế được thực hiện.
Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói rằng ngành dầu mỏ của Nga chịu gánh nặng thuế cao nhất thế giới, chiếm tới 70% doanh thu của các công ty.
"Sự phát triển của gần một nửa trữ lượng dầu của Nga là không có lợi theo hệ thống thuế hiện hành" - ông lưu ý.
Sự phát triển ngành năng lượng của Nga đang ở mức độ cao trong bối cảnh nhà lãnh đạo Vladimir Putin đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tránh kịch bản hao hụt tài nguyên trong tương lai.
Trong một phát biểu cuối tháng 11/2019, Tổng thống Putin khẳng định Nga không có ý định trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Nga và tổ chức OPEC đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà theo lời ông Putin rằng đây là việc làm nhằm giữ thị trường cân bằng với mức giá dầu thô có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Moscow được cho là chưa đạt được các mục tiêu giảm sản lượng theo thỏa thuận.
Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng việc gia tăng sản xuất dầu là bởi Nga cần gia tăng sản xuất khí ngưng tụ, một loại dầu nhẹ được thống kê trong sản lượng khai thác “vàng đen” của Nga nhằm phục vụ mùa đông cuối năm 2019.
Song giới quan sát cho rằng, việc giá dầu đang đi theo các kịch bản có lợi cho nhà sản xuất có chi phí thấp như Nga khiến nước này không dễ gì chịu chấp nhận cắt giảm sản lượng đột ngột. Bên cạnh đó, Nga cũng tiếp tục chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các cá nhân và công ty khiến dầu mỏ trở thành một trong những trụ cột xương sống của nền kinh tế. Doanh thu từ dầu mỏ sẽ giúp nước Nga chống chọi với các khó khăn duy trì suốt 5 năm qua.
Điều này sẽ là rào cản để hiện thực hóa mục tiêu giảm khai thác tài nguyên của ông Putin. Trong quá khứ Liên Xô từng duy trì nền kinh tế tài nguyên, phụ thuộc vào tài nguyên năng lượng và cơ cấu giá thế giới.
Thập kỷ tồn tại cuối cùng của Liên Xô cho thấy định hướng một chiều dựa vào lĩnh vực năng lượng để bù đắp cho hoạt động kém hiệu quả của nền kinh tế quốc dân là một đường lối cực kỳ dễ bị tổn thương và không có khả năng đưa đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế.
Đến nay, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đã xác định được định hướng thoát khỏi tình trạng tiếp tục phụ thuộc vào khai thác tài nguyên năng lượng. Tuy nhiên, những nỗ lực này lại phải gặp các lệnh trừng phạt của phương Tây, buộc Nga phải thay đổi định hướng.
Khi nhậm chức hồi đầu năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định nhằm thiết lập kinh tế Nga ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu: doanh thu phi dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên 250 tỷ USD một năm, trong đó 50 tỷ USD xuất phát từ máy móc xuất khẩu, 45 tỷ USD từ nguồn cung cấp nông nghiệp và 100 tỷ USD từ việc xuất khẩu dịch vụ.
Đến tháng 5/2019, ông Putin đã phê chuẩn một học thuyết mới về an ninh năng lượng, thay thế cho học thuyết đã được phê duyệt vào tháng 11/2012. Nó phản ánh những thay đổi trong các ưu tiên năng lượng của chính phủ Nga sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga kể từ năm 2014 và hợp tác thành công trong việc quản lý biến động thị trường dầu mỏ với OPEC kể từ năm 2017.
Học thuyết mới lưu ý rằng, Nga đóng vai trò chính trong an ninh năng lượng toàn cầu, nhưng đang hoạt động với nhiều hạn chế, bao gồm cả những lệnh trừng phạt từ phương Tây. Học thuyết đề cập đến sự cần thiết phải chống lại sự phân biệt đối xử đối với các công ty Nga trong thị trường năng lượng toàn cầu.
Học thuyết mới cho phép ngành năng lượng Nga tăng sản xuất nhằm đáp ứng cung cấp ổn định cho nhu cầu năng lượng trong nước, tạo dự trữ và đảm bảo duy trì vị thế hàng đầu của Nga trên thị trường năng lượng quốc tế.
Huy Vũ