Sản lượng vải Trung Quốc tăng hơn 11%, vải thiều Việt có lo "ế"?

Sản lượng vải Trung Quốc tăng hơn 11%, vải thiều Việt có lo "ế"?
Dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn).

Theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc), năm 2020 ước tính diện tích trồng quả vải của Trung Quốc khoảng 533 nghìn ha (Quảng Đông trồng nhiều nhất với diện tích khoảng 278 nghìn ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích của Trung Quốc).

Dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn).

Do thời tiết, vụ quả vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm và dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7.

Dự báo sản lượng quả vải bán ra thị trường vào các tháng như sau: Tháng 5 khoảng trên 536 nghìn tấn (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước); tháng 6 khoảng 1,11 triệu tấn (tăng 115,8%); tháng 7 khoảng 109 nghìn tấn (giảm 25,6%).

Hiện trên thị trường và các trang bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đều đã bán quả vải. Đáng chú ý, ngày 9/5, trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao của Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chuyên đề tiêu thụ quả vải. Trong vụ vải năm nay, các loại quả vải ngon nhất tại các vùng trồng chính gồm Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và Phúc Kiến đều sẽ được bán trên mạng Taobao.

Ngoài nguồn cung nội địa, hàng năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam và Thái Lan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2019, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng vải thiều của Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, năm 2020 thời tiết thuận lợi hơn nhiều và sản xuất đã trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19. Do đó, nguồn cung vải thiều trong năm 2020 sẽ lớn hơn và điều này sẽ tác động mạnh tới giá vải thiều.

Liên quan tới mặt hàng quả vải, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, năm nay khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ của Trung Quốc được thu hái từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam.

Điều này đặt ra những âu lo không nhỏ cho tiêu thụ vải thiều khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này hiện nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các địa phương "thủ phủ" vải thiều của Việt Nam như Bắc Giang, Hải Dương, những âu lo này đã được tính toán đến.

Cụ thể, với Hải dương, Trung Quốc là thị trường truyền thống và lớn nhất, tiêu thụ khoảng 40% sản lượng vải của Hải Dương. Năm nay, vải thiều Hải Dương thu hoạch chính vụ từ 1/6-20/6, với tổng sản lượng quả dự kiến 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với niên vụ 2019.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với phía Trung Quốc để tạo điều kiện xuất khẩu quả vải; đồng thời mong được Bộ NN&PTNT hỗ trợ trong việc xuất khẩu vải đi Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản trong thời gian tới.

Vụ vải năm nay, Bắc Giang có sản lượng gấp hơn 3 lần Hải Dương, ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều.

Cụ thể, đối với kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất, không xuất khẩu được.

Người đứng đầu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống. Ngoài ra, thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân. Khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra".

Thanh Nguyễn

Tags: Vải Trung Quốc Vải Thiều Việt Sản Lượng Vải Sản Lượng Quả Vải Trồng Quả Vải Bán Hàng Trực Tuyến Taobao Tiêu Thụ Quả Vải Sản Lượng Vải Thiều Tiêu Thụ Vải Thiều Vải Thiều Hải Dương