Nhiều địa phương đang đẩy nhanh tái đàn, bổ sung nguồn thịt lợn trong những tháng tới. Ảnh: Bình Phương
Nhập khẩu để “hạ nhiệt”
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, qua cân đối của Tổng cục Thống kê, chúng ta thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn và Bộ Công Thương cũng đề xuất nhập khẩu khoảng 100.000 tấn trong dịp này để bù đắp lượng thiếu hụt.
Theo ông Dương, thực tế, lâu nay Việt Nam vẫn cho nhập khẩu thịt lợn bình thường và không có hạn ngạch. “Lúc này, chúng tôi cũng ủng hộ phương án nhập, nhưng DN phải căn cứ nhu cầu thị trường”, ông Dương nói.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho DN nhập về thịt đông lạnh, phải rã đông mới bán được. Thực tế, nếu giá thịt lợn trong nước tới đây hạ xuống, người tiêu dùng tăng sử dụng thịt bò, gia cầm, thủy sản… thì nhập thịt lại là một “bài toán khó” cho DN. “Nếu bắt DN nhập về mà không tiêu thụ được thì cũng chết. Tết bây giờ không như ngày xưa, “no dồn đói góp” vào những ngày Tết. Do vậy, thực phẩm Tết khả năng cũng chênh không nhiều so với ngày thường, nên áp lực của Tết cũng không lớn như trước đây”, ông Dương nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 67.000 tấn thịt lợn, tăng cao so với mức trung bình những năm trước (khoảng 15.000 tấn). Giá thịt lợn nhập khẩu tùy từng loại, nhưng trung bình không quá thấp so với “thịt nóng” ở trong nước hiện tại.
Ông Dương cũng cho biết, tại cuộc họp, các DN cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến giảm thuế nhập khẩu, tín dụng… Phía Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục, kiểm dịch để thông quan. “Còn phía ngân hàng ưu tiên về tín dụng, hay ngành thuế nghiên cứu giảm thuế… để hỗ trợ DN nhập thịt”, ông Dương nói.
Tuy nhiên, giảm thuế nhập khẩu thịt lợn 25% còn 22% như đề nghị của Bộ Tài chính chưa phải là mức hấp dẫn.
Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước tuần trước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao.
Theo ông Hải, việc có thể làm luôn là các DN tăng nhập khẩu, đưa hàng ra thị trường để “hạ nhiệt” giá bán. Bộ Công Thương cũng yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ giới thiệu cho DN nhập khẩu.
Ðẩy nhanh nguồn cung trong nước
Theo khảo sát của PV, ngày 29/12, sau khi nhiều “ông lớn” giảm giá lợn hơi trên thị trường thịt lợn không còn “tạo sóng”. Tại nhiều địa phương, giá đã khá ổn định, dù ở mức cao.
Cụ thể, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ở phía Bắc, Công ty Dabaco cũng đã thông báo giảm giá lợn hơi từ 84.000 đồng, còn 83.000 đồng/kg.
Sau động thái trên, giá lợn ở các tỉnh miền Bắc đã giảm nhẹ. Tại Hà Nam, Hà Nội, Tuyên Quang, Sơn La, giá lợn hơi cũng giảm nhẹ (92.000 - 93.000 đồng/kg); ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình được thu mua ở mức 90.000 - 91.000 đồng/kg.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện tại 24 tỉnh thành, 85% số xã đã hết dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn. Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang… đã có hướng dẫn đảm bảo an toàn tái đàn, dự kiến cuối tháng 12 này và tháng 1/2020 trên thị trường sẽ có sản phẩm của đợt tái đàn.
Theo đại diện của C.P Việt Nam, tháng 12/2019, DN này tung ra khoảng 500 nghìn con lợn thịt xuất chuồng, tương đương khoảng 16.000 con/ngày, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 và sẽ duy trì tăng nguồn cung một cách ổn định trong thời gian tới.
Còn ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cũng cho biết, tổng đàn nái của DN thời điểm này đã được nâng lên ở mức 23 nghìn con và sẽ tiếp tục tăng quy mô đàn nái ngay từ đầu năm 2020.
Theo Bộ NN&PTNT, các cơ sở được công bố hết dịch và chủ động tái đàn ngay từ tháng 10/2019, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 1/2020 và từ quý 2/2020.
Riêng 17 DN chăn nuôi quy mô lớn và an toàn với tổng đàn nái hiện tại trên 500 nghìn con (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018) cho phép xuất chuồng 220-230 ngàn tấn thịt lợn hơi vào quý 1/2020. Các quý tiếp theo mức tăng khoảng 40-65 ngàn tấn sẽ đáp ứng phần nào sự thiếu hụt nguồn cung cho nhu cầu trong nước.
“Lúc này, DN là “hạt nhân” với vai trò vừa là tổ chức "dẫn dắt" giá, vừa là nơi cung cấp con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Hiện tại 109.000 con giống cụ kỵ và 2,7 triệu lợn nái tập trung chủ yếu ở các DN lớn, có vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn”.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Nam Khánh