Khác với Trọng Hoàng (số 8), SEA Games là cơ hội để những cầu thủ như Triệu Việt Hưng trui rèn trước các giải đấu lớn hơn. Ảnh: Lâm Thỏa.
Trong số 20 cầu thủ mà HLV Nguyễn Hữu Thắng đăng ký cho SEA Games 2017, có đến 12 người được HLV Park Hang-seo đem đến vòng chung kết U23 châu Á sau đó năm tháng. Và chín trong số họ thuộc đội hình chính đã tạo ra kỳ tích giành HC bạc. Giải đấu ở Thường Châu (Trung Quốc) lúc ấy, bóng đá Đông Nam Á có đến ba đại diện. Trong khi Thái Lan bị loại ngay vòng bảng mà không có điểm nào, hai đội còn lại đều thành công. Việt Nam đi đến tận chung kết, bằng cách vượt qua một loạt ông lớn như Australia, Qatar hay Iraq. Còn Malaysia vượt qua vòng bảng sau khi đánh bại Saudi Arabia, và chỉ thua một đội mạnh khác là Hàn Quốc 1-2 ở tứ kết. Ở SEA Games trước đó vài tháng, Thái Lan hạ Malaysia để giành HC vàng, còn Việt Nam dừng bước từ vòng bảng.
Nhìn ở góc độ nào đó, việc sử dụng đội ngũ mạnh nhất tại SEA Games không thể gọi là lãng phí. Thất bại hoặc thành công ở giải đấu vẫn bị xem như "ao làng" ấy biết đâu sẽ là tiền đề, là sự chuẩn bị tốt ở sân chơi châu Á. Về lý thuyết, nếu đoạt HC vàng SEA Games, các cầu thủ sẽ có thêm lòng tin và sự hưng phấn. Thất bại của Thái Lan ở giải U23 châu Á 2018, có thể lý giải là do SEA Games 2017 tổ chức quá sớm, vào tháng 8 thay vì cuối năm như thường lê, nên họ mất đi sự liền mạch về phong độ.
Ý tưởng của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á AFF biến SEA Games thành nơi rèn luyện cho sân chơi cùng tuổi châu Á là không tồi. Giải U23 châu Á mới bắt đầu năm 2013, và được tổ chức theo chu kỳ hai năm một lần, xen kẽ với SEA Games. Các vòng loại của U23 châu Á sẽ diễn ra ngay trong năm tổ chức SEA Games, nên AFF mới hạ độ tuổi xuống còn U22 để phù hợp với vòng loại. Điều này sẽ giúp các đội bóng Đông Nam Á ổn định được lực lượng (cùng độ tuổi) và có số trận thi đấu (vòng loại U23 và SEA Games) lên đến hơn 10 trận mỗi năm. Đây là cơ sở giúp bóng đá Đông Nam Á tăng số đội dự U23 châu Á trong các kỳ giải tới, nhất là khi mở rộng từ 16 lên 24 đội theo xu hướng chung. Bên cạnh đó AFF còn khai sinh thêm giải vô địch U22 Đông Nam Á, tổ chức hằng năm, cũng vì mục đích này.
Thực tế, nếu không tính các cầu thủ thuộc biên chế đội tuyển quốc gia, dàn cầu thủ "thuần U23" của Việt Nam mới đá năm trận giao hữu trong năm 2019, trong đó chỉ hai trận diễn ra trong tháng 10 và 11 (với UAE, Myanmar) và cũng chỉ duy nhất một lần xuất ngoại (thắng Trung Quốc). Như vậy, nếu không tính vòng loại U23 châu Á diễn ra hồi tháng 3, có thể nói quá trình chuẩn bị của U22 Việt Nam cho SEA Games lần này là sơ sài nhất từ trước đến nay. Năm 2017, đội U22 của HLV Hữu Thắng có cả một đợt tập huấn tại Nhật Bản trước khi dự SEA Games. Trước đó, năm 2015, dù SEA Games diễn ra vào tháng 6, đội U23 của HLV Toshiya Miura cũng kịp đá đến sáu trận giao hữu.
Đấy là chỉ nói về việc chuẩn bị SEA Games. Còn nếu hướng đến vòng chung kết U23 châu Á mà Việt Nam đang là đương kim á quân, có thể nói chúng ta chỉ có đúng SEA Games để chuẩn bị. Với nhóm cầu thủ của đội tuyển quốc gia, SEA Games có thể gây mệt mỏi, nhưng với nhiều cầu thủ còn lại, họ đang quá thiếu các trận đấu để rèn luyện. Trước U23 châu Á 2018, ít ra HLV Park Hang-seo còn có giải M-150 tại Thái Lan để rèn quân, nhưng lần này, Việt Nam chỉ có SEA Games để thầy Park làm mới bộ khung của ông.
Chính vì thế, sẽ thật vội vàng nếu cho rằng SEA Games là một sự lãng phí và việc hoàn thành giấc mộng vàng SEA Games là điều không cần thiết. Với tám cầu thủ được bổ sung từ đội tuyển quốc gia, có thể họ bị "ngán" với thành công nhưng 12 cầu thủ còn lại, SEA Games gần như là những gì tốt nhất mà họ có để chứng tỏ năng lực và khao khát cống hiến. Cho dù SEA Games không phải là sân chơi đẳng cấp cao, những trận đấu cũng có những giá trị rất riêng, liên quan đến màu cờ sắc áo và danh dự quốc gia. Ít nhất, nó vẫn có thể đem lại nhiều sự hữu ích cho HLV Park Hang-seo hơn những trận giao hữu. Việc có đến hơn năm trận đấu với các đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Singapore là không dễ sắp xếp.
Bắt đầu từ đội tuyển U23, HLV Park Hang-seo xem như đã kết thúc một chu kỳ xây dựng thế hệ đội tuyển đầu tiên dưới triều đại của ông. SEA Games 30 chính là thời điểm ông bắt đầu vòng quay mới. Hãy xem việc còn đến sáu cầu thủ thuộc biên chế đội tuyển còn đá ở SEA Games là một may mắn cho thầy Park. Nhưng trên thực tế, để hoàn thành các tham vọng ở nhiệm kỳ thứ hai, nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn phải tiếp tục công việc của một người "giũa đá thành ngọc" với lứa U22 hiện nay. Ông Park tuyên bố sẽ chỉ dùng những cầu thủ quan trọng cho những thời điểm quyết định, và điều đó đã được minh chứng trong trận đấu ra quân với Brunei - nơi những Quang Hải, Văn Hậu... đều không thi đấu. Ông có thừa kinh nghiệm để không phí phạm thể lực của họ, nhưng ông cũng có trách nhiệm phải giúp các cầu thủ còn lại bắt kịp năng lực của người đi trước.
Đấy có thể là lý do mà HLV Park Hang-seo mạo hiểm nhận chỉ tiêu HC vàng SEA Games, điều đã khiến tất cả những người tiền nhiệm của ông mất việc. Rất có thể, ông đang chờ đợi khao khát chiến thắng của những cầu thủ U22 chưa từng có cảm giác vinh quang như những đồng đội cùng tuổi ở đội tuyển. Nếu những cầu thủ trẻ ấy thực sự mong muốn hiện thực hóa giấc mộng vàng mà bao thế hệ đàn anh chưa làm được, đó quả là điều đáng mừng. Họ sẽ đem khao khát ấy đến U23 châu Á. Hoặc nếu thất bại, họ sẽ lại biết cách biến đau thương thành hành động - như miền tuyết trắng Thường Châu năm nào.