SeABank và những chuyển biến bản lề trước thềm niêm yết
Năm 2020, hàng loạt ngân hàng dự kiến sẽ lên sàn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện còn 12 ngân hàng thương mại chưa niêm yết với tổng vốn pháp định/điều lệ ở mức khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tức khoảng 4,2 tỷ USD. Giả sử các ngân hàng này được niêm yết với mức 1.4x P/B (bình quân của 18 ngân hàng đang niêm yết) thì tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng thêm tới 5,9 tỷ USD.
Trong số các ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là một trong những cái tên đang chuẩn bị kỹ càng nhất về tình hình tài chính trước khi lên sàn.
Điển hình nhất là nợ xấu. Cuối năm qua, SeABank đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,31%.
Các năm trước đó, nếu tính cả nợ chưa dự phòng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 4,23% cuối năm 2018, 5,55% cuối năm 2017, 7,92% cuối năm 2016. Cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu là trên 12%.
Thống kê lại để thấy, việc sạch nợ tại VAMC thực sự là một thành công lớn của SeABank trước thềm niêm yết.
Tính toán của VietnamFinance cho thấy năm 2019 là năm ngân hàng này quyết liệt nhất theo dữ liệu 4 năm gần đây, với lượng nợ xấu được xóa bằng dự phòng lớn gấp nhiều lần các năm trước đó.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bao gồm cả nợ chưa dự phòng tại VAMC) cũng cải thiện rất rõ rệt, từ mức 10,9% cuối năm 2016 lên mức 14,7% cuối năm 2017, lên 24,7% một năm sau đó. Năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên gần 50% - mức trung bình so với mặt bằng chung của ngành.
Không chỉ nợ xấu, lợi nhuận cũng là một điểm sáng của SeABank trong năm 2019.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của SeABank lên đến 1.390 tỷ đồng, tăng tới 123% so với năm 2018. Thống kê của VietnamFinance thấy tăng trưởng lợi nhuận bình quân 4 năm qua của ngân hàng này lên đến 93,2%/năm.
Tín dụng vẫn là mảng dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của SeABank trong năm 2019 với tăng trưởng thu nhập lãi thuần đạt gần 24%, đạt 2.894 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng thu nhập lãi tăng gần 18% và biên lợi nhuận gộp cải thiện.
Mảng dịch vụ cũng là lực đẩy quan trọng khi ghi nhận tăng trưởng lãi thuần dịch vụ lên đến 80,5% - tương đương tăng trưởng bình quân 4 năm qua, đạt 335 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc giảm mạnh tỷ trọng chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) cũng là yếu tố giúp thúc đẩy lợi nhuận của SeABank. Theo dữ liệu lịch sử, CIR của ngân hàng này đã giảm xuống chỉ còn 38,2% trong năm 2019, từ mặt bằng chung khoảng 58% giai đoạn 2016 - 2018.
Chốt năm 2019, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SeABank lần lượt ở mức 0,7% và 10,05% - mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Minh Tâm