Tôm hùm đất Trung Quốc tràn sang Việt Nam
Còn nhớ vào thời điểm tháng 4, tháng 5 năm nay, tôm hùm đất bất ngờ lên cơn sốt. Thời điểm đó, trên mạng xã hội, nhiều người rao bán tôm hùm đất giới thiệu, loại tôm hùm này có kích thước to hơn ngón tay, hai càng có màu đỏ, thân màu đất, thịt chắc, ăn có vị ngọt, dai dai giống tôm sú.
Các đầu mối đều khẳng định, loại đặc sản này nhập về Việt Nam là hàng tươi sống, khi mua về có thể thả vào bể, đảm bảo tôm vẫn sống được cả tuần mà không lo chết dẫn đến hao hụt.
Đặc biệt, với mức giá bán buôn chỉ 200.000-230.000 đồng, giá bán lẻ dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg, tôm hùm đất trở thành món đặc sản khoái khẩu của nhiều gia đình.
Tôm hùm đất - sinh vật ngoại lai được gọi là thủy quái tôm lai cua - tấn công thị trường Việt Nam, tạo ra cơn sốt và trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người
Song, đằng sau món đặc sản có màu đỏ au đang khiến dân Việt phát cuồng, ít ai biết được rằng đây là loại sinh vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, nằm trong danh sách loại sinh vật ngoại lai bị cấm nuôi, cấm buôn bán ở nước ta.
Trên thực tế, khi nhắc về loại tôm hùm đất này, các chuyên gia trong ngành còn gọi đây là loại “thủy quái” tôm lai cua bởi chúng có thể bò nganh, đào hang giỏi như cua. Đáng sợ hơn, chúng có thể sống trong cống rãnh ô nhiễm, tuổi thọ lại lên tới vài chục năm, đặc biệt với đôi càng màu đỏ to khỏe, loài tôm này có thể cắt ngang thân lúa cứng rất nhanh, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.
“Nếu bị phát tán ra thị trường, loài tôm lai cua này sẽ ăn sạch các loại thuỷ sinh, cạnh tranh thức ăn với các loại sinh vật bản địa, khiến tôm, cá dần biến mất”, TS Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - nói và cảnh báo, nếu để tôm hùm đất phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên thì có thể là đại họa với ngành nông nghiệp nước ta. Trung Quốc phải đối diện với thảm họa tôm hùm đất trên sông Trường Giang mà đến bây giờ vẫn không có cách nào để tiêu diệt được.
Trước những nguy hại khôn lường khi tôm hùm đất từ bên kia biên giới Trung Quốc tràn sang Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm này tại Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp nước ta.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đồng loạt vào cuộc, ráo riết truy lùng, bắt giữa nhiều vụ buôn bán và tiêu hủy hàng tấn tôm hùm đất đang trên đường vận chuyển từ biên giới về nội địa đê tiêu thụ.
Cùng may, sau một thời gian quyết tâm truy lùng và tìm diệt, mối nguy này đã được chặn đứng. Ngành nông nghiệp, người nông dân nhờ đó cũng thoát khỏi thảm họa mang tên “tôm hùm đất”.
Nông dân khiếp sợ loại sâu 6 lần phun thuốc không chết
Cùng thời điểm với con sốt tôm hùm đất, sâu keo mùa thu (FAW) là loại sâu hại có nguồn gốc từ châu Mỹ, thức ăn ưa thích là cây ngô cũng được cảnh báo sẽ xâm nhập vào nước ta. Điều đáng chú ý là dù có thân hình nhỏ bé song lại gây hại và lan rộng. Chúng có thể phát tán 100km trong 1 đêm và gây hại tới hơn 200 loại cây trồng khách nhau.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu đã gây thiệt hại kinh tế ước khoảng 1-3 tỷ USD.
Giữa năm 2018, loài sâu đáng sợ này đã chính thức xuất hiện ở châu Á. Các chuyên gia nhận định, sâu FAW có thể đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu, bởi loài sâu này gây hại cực mạnh trên cây ngô - loại cây lương thực quan trọng ở châu Á, là nguồn cung chính cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và gia cầm.
Dù đã có nhiều cảnh báo, siết chặt các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến thực vật để ngăn chăn loại sâu này xâm nhập vào nước ta, thế nhưng, đến tháng 4/2019, Việt Nam chính thức phát hiện sâu FAW tại miền Bắc.
Và giống như bệnh dịch tả ngành chăn nuôi đang phải đương đầu, loại sâu này vẫn chưa có thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ và đặc trị. Thế nên khi xâm nhập vào nước ta, sâu keo mùa thu đã tàn khoảng gần 20.000 ha ngô trên cả nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tại một số thủ phủ ngô trên cả nước, nông dân tỏ ra khiếp sợ vì chỉ trong một vụ ngô mà họ phải phun thuốc tới 6 lần mà không tiêu diệt được loại sâu này. Có hộ trong một vụ đã phải nhổ đi trồng lại ngô tới 3 lần. Cuối cùng sâu keo vẫn ăn sạch sẽ ruộng ngô.
Để hạn chế thiệt hại do sâu FAW gây ra, cuối tháng 5/2019, Cục BVTV đã công bố tên 4 hoạt chất sử dụng tạm thời, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương báo cáo, cập nhật các loại thuốc hiệu quả để đưa vào danh mục khuyến cáo cho bà con.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương không chủ quan, cũng không hoảng sợ vì hiện đã có nhiều giải pháp hiệu quả, ví dụ như mô hình sử dụng giống ngô kháng sâu của một số nông dân tại huyện Mộc Châu. Ngoài ra, đồng loạt tổ chức phòng trừ, ứng dụng biện pháp bẫy bả sinh học để thu bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu...
Đến nay, dù đã có nhiều đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp diệt trừ loại sâu này, song thảm họa sâu keo hiện vẫn chưa có lời giải. Nguy hại hơn, ngoài cây ngô, ở Việt Nam sâu keo đã bắt đầu tấn công sang cây lúa tại tỉnh Nam Định. Theo đó, người nông dân đang đối diện với nỗi lo mùa màng bị tàn phá, an ninh lương thực bị đe dọa vì sâu keo mùa thu.
Châu Giang