Sơ hở bảo mật, nguy cơ mất tiền của khách vẫn đe doạ các ngân hàng

Sơ hở bảo mật, nguy cơ mất tiền của khách vẫn đe doạ các ngân hàng
Vấn đề bảo mật, ngành ngân hàng Việt Nam còn nhiều sơ hở dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng mất tiền.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019 tiếp tục là một năm có nhiều điểm sáng đến từ hệ thống ngân hàng, góp phần mang lại sự ổn định cho nền kinh tế. Trong đó nổi bật nhất là sự ổn định trong toàn hệ thống tiếp tục được cải thiện, nợ xấu đã cơ bản được giải quyết và lợi nhuận ngân hàng năm sau cao hơn năm trước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thì nhận định, năm 2019 là năm bản lề quan trọng của hoạt động ngân hàng và ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%.

Ngành ngân hàng có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2020. (Ảnh minh họa: KT) 

Theo các chuyên gia kinh tế, những kết quả đạt được trong năm 2019 sẽ là tiền đề quan trọng để ngành ngân hàng phát triển và tiến xa hơn trong năm 2020. 

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) mới đây đã có nhận định tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm mới 2020.

Đơn vị này cho rằng, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, hiện được đánh giá là ổn định tại Việt Nam. Tăng trưởng GDP cơ bản luôn được duy trì ở mức cao trong những năm vừa qua. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện tốt việc kiểm soát mục tiêu lạm phát. Tính đến hết tháng 12/2019, CPI bình quân năm chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2019 - thấp nhất trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, BSC cũng cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước đối tác xuất nhập khẩu chính của 2 nước này, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, các hiệp định lớn vừa ký kết như EVFTA, CPTPP sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng xuất nhập khẩu vào các nước lớn tại châu Âu, giảm phụ thuộc vào 2 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc như hiện nay.  

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang duy trì chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động.

Để đáp ứng quy định Thông tư 22 mà NHNN mới ban hành, các ngân hàng đã chủ động giảm tỷ trọng cho vay vào các ngành rủi ro như: bất động sản, xây dựng, tăng cường huy động vốn dài hạn… Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện nay ở mức 27%. Vì vậy, có thể khẳng định, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang được cải thiện.

Quản trị ngân hàng còn lạc hậu

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành ngân thời gian qua, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế và tồn tại của ngành ngân hàng. Theo TS. Hiếu, về mặt quản trị, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn đi sau thông lệ quốc tế trong khi ngành ngân hàng trên thế giới đã áp dụng Basel II, Basel III và chuẩn bị lên Basel IV. 

Việt Nam mới ra khỏi Basel I và bắt đầu từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải thực hiện Thông tư 41 là giai đoạn đầu của Basel II. Thành ra về mặt quản trị rủi ro, Việt Nam còn đi sau hệ thống ngân hàng thế giới rất xa. 

Bên cạnh đó, trong vấn đề bảo mật, ngành ngân hàng Việt Nam còn nhiều sơ hở dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng mất tiền, cùng với đó là những vụ việc liên quan đến vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh trong hệ thống… 

Do đó, bên cạnh những điểm sáng, thì vẫn còn những mối lo âu, những vấn đề phải giải quyết trong hệ thống ngân hàng thời gian tới.

“Quan trong nhất, trong năm 2020, ngành ngân hàng phải đáp ứng được Thông tư 41, tức phải đáp ứng đc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% theo cách tính của Basel II. Cùng với đó, vấn đề quản trị rủi ro phải được cải thiện một cách mạnh mẽ để hệ thống ngân hàng được hoạt động trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh; hệ thống bảo mật ngân hàng phải được cải tiến nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Những điều này cần được thay đổi, cải tiến để tạo được lòng tin vững chắc cho khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói./.

Chung Thủy

Tags: Ngân Hàng Bảo Mật Khách Hàng Mất Tiền Bảo Mật Ngân Hàng Lộ Thông Tin