SSI Research: Tăng trưởng ngành bia sẽ chậm lại

SSI Research: Tăng trưởng ngành bia sẽ chậm lại
Với Luật Phòng chống tác hại rượu bia, tăng trưởng ngành bia năm nay có thể không đạt hai con số như 2019, theo SSI Research.

Nhận định trên được Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra trong báo cáo mới ra cập nhật ngành bia năm 2020. "Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7%", báo cáo viết.

Trước đó, theo dự báo của Euromonitor, sản lượng bia Việt Nam sẽ đạt 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân năm khoảng 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ tăng lần lượt là 5,5% và 7%, trong đó các sản phẩm cao cấp nhập khẩu ước tính tăng cao nhất với 10,3%.

Sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng cao trong năm 2019. Nguồn: SSI, Bộ Công Thương
Sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng cao trong năm 2019. Nguồn: SSI, Bộ Công Thương

 

Năm 2019, sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam ước khoảng 4,6 tỷ lít, tăng khoảng 10%. Kết quả này được SSI Research đánh giá là "ngoài dự tính", do tăng cao so với hai năm 2017 và 2018.

Nguyên nhân một phần do xu hướng người trẻ tuổi ra ngoài uống bia nhiều hơn để tìm kiếm trải nghiệm mới và giao lưu. Theo khảo sát của Kantar, số hộ gia đình đồng ý rằng họ ăn uống ở ngoài nhiều hơn ở nhà tăng khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2019. Trong khi đó, Nielsen ước tính mức tiêu thụ bia theo giá trị tăng gần 10% trong quý 3/2019, khả quan hơn so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác.

Trong khi ngành bia tăng trưởng cao, giá cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất bia trên sàn chứng khoán lại đi xuống.

Cổ phiếu ngành bia giảm 12,6% trong năm 2019. Ảnh: SSI

Theo tính toán của SSI Research, giá cổ phiếu ngành bia giảm 12,6% trong năm 2019, thấp hơn so với tăng trưởng của VN-Index, chủ yếu là do cổ phiếu SAB giảm 14,3%. 

Theo nhóm phân tích, Sabeco ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng 23% trong 9 tháng nhờ tái cấu trúc, nhưng giá cổ phiếu SAB vẫn không thể tăng theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Điều này có thể do các nhà đầu tư tiếp tục tin rằng định giá của SAB vẫn còn quá cao. Cổ phiếu này đang giao dịch với mức định giá P/E là 30 lần, so với mức trung bình ngành là 26 lần.

Ở chiều ngược lại, Habeco tiếp tục ghi nhận kết quả kém tích cực khi lợi nhuận ròng giảm 7%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu doanh nghiệp vẫn tăng 1,5%, điều này có thể do thanh khoản thấp.

Năm 2020, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của Sabeco sẽ đạt lần lượt 44.400 tỷ đồng (tăng 10%) và 6.100 tỷ đồng (tăng 12%). Tuy nhiên, nhóm phân tích chỉ đưa ra khuyến nghị trung lập do "định giá cổ phiếu cao". SAB giao dịch với mức P/E 2020 khoảng 27 lần, cao hơn định giá so với các công ty cùng ngành trong khu vực là 24 lần.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, là cơ sở pháp lý để cảnh sát giao thông xử lý mạnh tay hơn với tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Theo Nghị định 100/2019, lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính, mức cao nhất 600.000 đồng. Với lỗi này, tài xế ôtô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng; người lái xe máy bị phạt tới 8 triệu đồng. Mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe ôtô, xe máy tới 24 tháng.

Minh Sơn

Tags: Tiêu Thụ Rượu Bia Chậm Lại Luật Giao Thông Đường Bộ Luật Phòng Chống Tác Hại Rượu Bia Vn-Index