Một quan chức Hải quân Mỹ hôm qua xác nhận thông tin này với trang USNI News và cho biết thêm, hoạt động của tàu khu trục được tiến hành theo kế hoạch.
Cũng trong hôm qua, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, Hải quân nước này đã triển khai lực lượng theo dõi, giám sát một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Hôm 18/4, Mỹ và Australia tiến hành tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta.
Trong cuộc họp báo ngày 23/4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ:
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả biện pháp quy định tại UNCLOS.
Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán ở các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế, hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này.
Thái An