Hôm 3-12, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo Tokyo vừa đồng ý mua đảo Mageshima, một hòn đảo không người nằm cách đảo chính Kyushu khoảng 34 km, với giá 146 triệu USD, theo hãng tin AFP.
Hòn đảo này có phần lớn diện tích thuộc sở hữu của một công ty tư nhân ở Tokyo và không có người ở. Đảo có hai đường băng bị bỏ hoang kể từ sau một dự án dang dở trước đây. Chính phủ Nhật Bản cho hay các đường băng này sẽ được tu bổ để hải quân Mỹ tập luyện các bài tập hạ cánh trên tàu sân bay, dù chưa đưa ra khung thời gian cụ thể cho công tác cải tạo.
Vị trí chiến lược của đảo Mageshima
Theo kế hoạch, Tokyo còn xây dựng thêm một số cơ sở trên đảo Mageshima để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và quân đội Mỹ có thể sử dụng. Một khi hoàn tất các hạ tầng phù hợp, hòn đảo này sẽ trở thành một căn cứ cố định của JSDF trong lúc Tokyo đang tìm cách tăng cường vị thế quân sự dọc biển Hoa Đông - khu vực hiện đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc (TQ) xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Việc mua lại đảo Mageshima là cực kỳ quan trọng và nhằm tăng cường khả năng đánh chặn của khối liên minh Nhật-Mỹ cũng như tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản” - Chánh Văn phòng Suga khẳng định trong lúc công bố thỏa thuận.
Trả lời tờ South China Morning Post, GS Garren Mulloy thuộc ĐH Daito Bunka (Nhật Bản) nhận định động thái của Tokyo cho thấy nước này và Mỹ muốn kiểm soát Mageshima là nhằm đối phó với những thách thức an ninh tiềm tàng từ Bắc Kinh. Trong khi đó, TS Đông Á Corey Wallace thuộc ĐH Freie (Đức) đánh giá đảo Mageshima có thể là cầu nối mới cho hợp tác quân sự giữa lực lượng quân sự hai bên, liên quan đến việc triển khai tiêm kích tàng hình F-35 thế hệ mới.
Nhật Bản từng tuyên bố sẽ nâng cấp các chiến hạm chở trực thăng lớp Izumo để có thể tiếp nhận chiến đấu cơ F-35B của Mỹ, vốn chỉ được trang bị cho tàu đổ bộ tấn công (thực chất là những tàu sân bay cỡ nhỏ). Nhật cũng đang mua thêm vài chục tiêm kích F-35 các loại, đặc biệt dòng máy bay có thể cất cánh trên tàu sân bay đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
“Tàu sân bay không thể chìm”
Thỏa thuận trị giá 146 triệu USD này được công bố giữa lúc quân đội Mỹ nhận được nhiều lời kêu gọi tăng số lượng các căn cứ chiến lược của nước này ở khu vực Đông Á để đối phó với số lượng tên lửa ngày càng tăng của TQ. Phần lớn lực lượng không quân tác chiến của Mỹ ở Nhật Bản chỉ tập trung ở sáu căn cứ nằm gần nhau.
Một số nghiên cứu gần đây, trong đó có nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu nước Mỹ thuộc ĐH Sydney công bố hồi tháng 8 chỉ ra rằng với nguồn lực và cách bố trí như hiện tại thì lực lượng Mỹ rất dễ chịu tổn thất trước các đòn tấn công bằng tên lửa của TQ trong giai đoạn đầu của xung đột.
Một biện pháp để ngăn chặn viễn cảnh trên là phân tán binh sĩ và khí tài quân sự Mỹ ra nhiều căn cứ khác nhau, theo TS Wallace. Càng có nhiều căn cứ, Mỹ càng có nhiều tên lửa bắn ra để áp đảo mục tiêu và giành lợi thế trong chiến tranh. Bắc Kinh cũng phải cần thêm nhiều tên lửa hơn để bao vây hết mục tiêu.
Ngoài ra, các căn cứ trên đất liền được xem là có giá trị hơn các tàu sân bay, bởi chúng có thể hứng chịu được nhiều đòn tấn công hơn. Về lý thuyết, tàu sân bay rất dễ bị tên lửa hoặc ngư lôi tiêu diệt trong khi nhiều căn cứ trên đất liền còn được thiết kế để chống bom hạt nhân. Việc khôi phục tổn thất với căn cứ trên đất liền cũng nhanh hơn so với tu sửa một tàu sân bay phức tạp và tốn kém.
Nhật Bản không có nhiều phi công có kinh nghiệm hạ cánh tiêm kích trên tàu sân bay. Tuy nhiên, đảo Mageshima sẽ giúp phi công nước này có cơ hội làm quen khi phối hợp huấn luyện với đồng minh. Việc tiêm kích F-35 Nhật xuất hiện trên tàu chiến Mỹ sẽ là một tín hiệu tích cực. TS Đông Á COREY WALLACE, ĐH Freie (Đức) |
“Khi đối phương nhắm bắn và đánh chìm một tàu sân bay, hậu quả không thể đảo ngược. Còn với một hòn đảo? Ít nhất nó không thể chìm được…Mỹ có dư thời gian để giúp nó hoạt động trở lại” - chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định.
Đảo Mageshima đi vào hoạt động sẽ giúp giảm áp lực hậu cần cho những căn cứ ở Okinawa và những đảo chính khác. Các phi công hiện nay đang tập luyện hạ cánh trên tàu sân bay tại Iwo Jima cách căn cứ chính đến 1.360 km. Đảo Mageshima sẽ cắt giảm được hành trình này tới 960 km. Máy bay Osprey có động cơ xoay của thủy quân lục chiến Mỹ cũng sử dụng đường băng trên Mageshima, nhờ vậy giảm tải cho đường băng trên các đảo chính cũng như ở Okinawa.
Căn cứ mới đồng thời đánh dấu tín hiệu tích cực trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật vốn trở nên căng thẳng những năm gần đây. Bên cạnh yêu cầu san sẻ chi phí quân sự của Tổng thống Donald Trump, người dân địa phương cũng nhiều lần gây áp lực đòi di chuyển mọi hoạt động quân sự của Mỹ ra khỏi những nơi tập trung đông dân cư.
Hồi tháng 2-2018, người dân ở Okinawa đã bỏ phiếu nhất trí cao để yêu cầu di dời căn cứ không quân Futenma của hải quân Mỹ ra khỏi đảo này. Bất chấp cuộc bỏ phiếu, chính phủ Nhật Bản chỉ chuyển căn cứ ở Futenma sang một địa điểm khác vẫn trên đảo Okinawa. Tương tự, Tokyo được cho là sẽ sẵn sàng chống lại bất kỳ cá nhân nào phản đối quân đội Mỹ triển khai lên Mageshima, nhất là cư dân từ đảo Tageshima cách đó 14 km.
Mỹ bất ngờ thử tên lửa có tầm bắn hơn 500 km Hãng tin Reuters cho biết Mỹ hôm 12-12 đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Vụ thử được thực hiện tại căn cứ không quân Vandenberg ở bang California và tên lửa bay được hơn 500 km. Đây là loại tên lửa trước đây nằm trong danh mục cấm của INF. Lầu Năm Góc khẳng định các dữ liệu thu được sẽ dùng để phát triển tên lửa tầm trung thế hệ mới. Đáng chú ý, vụ thử tên lửa diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thăm Washington và thảo luận về khả năng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Động thái khiến Moscow lo ngại Washington có thể bỏ qua New START như đã làm với INF. |
Vĩ Cường