Lễ ký thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hôm 15/1. Ảnh: AFP
Nói với báo giới hôm 17/1, Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis cho biết 28 quốc gia thành viên EU “sẽ giám sát thực hiện thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký hôm 15/1.
“Theo quan điểm của tôi, các mục tiêu định lượng trong thỏa thuận không phù hợp quy định WTO nếu bóp méo các giao dịch thương mại ”, Đại sứ Chapuis lo ngại. “Nếu trường hợp đó xảy ra, chúng tôi sẽ đưa lên WTO để giải quyết”, ông Chapuis nói thêm.
Đại sứ Chapuis cho biết, trong cuộc họp mới đây tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông được thông báo sẽ đảm bảo doanh nghiệp châu Âu không bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Quy tắc tối huệ quốc của WTO quy định các quốc gia không được phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ chi thêm ít nhất 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm tới so với năm 2017, trong đó 32 tỷ USD sẽ được phân bổ nhập khẩu hàng nông sản. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ. Đổi lại, Mỹ cam kết giảm 1/2 thuế suất 15% còn 7,5% áp dụng với 120 tỷ USD giá trị hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm quần áo.
Tính chung lại, thuế trừng phạt của Mỹ vẫn “phủ sóng” tới 2/3 trong tổng số 500 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.
Paul Tan, chuyên gia giải quyết các tranh chấp quốc tế của công ty luật Rajah & Tann (Singapore) đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể không vi phạm các quy định WTO bởi các loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể khác các mặt hàng từ đối tác thương mại khác.
“Tôi không nghĩ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 lại gây tác dụng ngược, làm tăng thuế quan lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ thỏa thuận này là hình thức ưu đãi thương mại hơn giữa 2 bên”, luật sư Tan nói.
Luật sư này cho rằng, việc Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ là động thái nhằm giảm cú sốc từ thuế quan tăng cao mà Mỹ áp dụng trong 2 năm qua.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 được xem như ưu đãi của chính quyền Trump nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại lớn thay vì phải đi qua cửa WTO. Điều này có nghĩa các tranh chấp thương mại với Mỹ về sau có thể phải giải quyết ngoài luồng mà không qua hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu.
“Với cách vận hành yếu kém như hiện nay của WTO và xu hướng chung của các hiệp định thương mại đa phương, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều tranh chấp thương mại trong thời gian tới”, Kerstin Braun, Chủ tịch tập đoàn dịch vụ tài chính Stenn Group nhận định.
Lê Quân (AFP)