Thai Airways được chính phủ 'giải cứu'

Thai Airways được chính phủ 'giải cứu'
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan sẽ được tái cấu trúc với sự giúp đỡ của một tòa án phá sản để không phải giải thể, bán thanh lý...

Hôm nay (19/5), Thai Airways thông báo chính phủ nước này đã chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu của hãng do Tòa án Phá sản Trung ương quốc gia giám sát. Kế hoạch nhằm mục đích ngăn việc công ty phải giải thể, bán thanh lý hoặc chính thức tuyên bố phá sản. Bộ Tài chính Thái Lan và Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ đang sở hữu phần lớn cổ phần của hãng hàng không này.

"Đây là một quyết định khó khăn nhưng nó được thực hiện theo cách để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân Thái Lan. Tôi và mọi người Thái hy vọng Thai Airways sẽ lại trở thành niềm tự hào của quốc gia", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói trong cuộc họp báo hôm nay.

Trong quá trình tái cấu trúc, Thai Airways dự kiến tiếp tục hoạt động bình thường, đồng nghĩa với việc các chuyến chở hàng và chở khách sẽ bay theo lịch trình của hãng. Tuy nhiên, chưa rõ kế hoạch tái cấu trúc có thể ảnh hưởng thế nào đến các dịch vụ hay việc làm tại Thai Airways.

Sau thông tin này, cổ phiếu Thai Airways đã tăng 14,6% trên sàn giao dịch Bangkok. Từ đầu năm, mã này đã giảm 32%.

Thủ tướng Thái Lan cho biết nội các của ông đã cân nhắc nhiều giải pháp cho hãng hàng không quốc gia này, trong đó có cả bán thanh lý. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng đã đi ngược lại bởi nếu bán thanh lý có thể khiến hơn 20.000 người lao động mất việc.

"Thái Lan và cả thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Thu nhập của mọi người đang giảm vì Covid-19. Chúng tôi phải ưu tiên ngân sách để giúp mọi người trong tương lại", Thủ tướng Thái Lan nói.

Giống như nhiều hãng bay khác, Thai Airways đã phải dừng gần hết hoạt động khi nhu cầu du lịch bằng hàng không giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã phải chật vật từ năm ngoái.

Trong báo cáo thường niên gần nhất, Thai Airways cho biết "đã gặp nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến hàng không và ngành du lịch Thái Lan", bao gồm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá dầu biến động và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các hãng bay giá rẻ. Những thách thức này đã đẩy ban lãnh lạo hãng phải tiến hành kế hoạch xoay vòng 10 năm, bao gồm tìm kiếm các cơ hội liên doanh mới và đầu tư vào công nghệ để tăng hiệu quả và cắt giảm chi phí. Và hiện tại, hãng hàng không này sẽ phải khởi động lại một lần nữa.

Theo hồ sơ của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, Thai Airways đã lỗ ròng 2,11 tỷ baht (gần 66 triệu USD) trong năm 2017, tăng vọt lên 11,6 tỷ (361 triệu USD) trong năm 2018 và 12 tỷ baht (374 triệu USD) năm ngoái.

Tú Anh (theo CNN)

Tags: Thai Airways Giải Cứu Hãng Hàng Không Phá Sản Giải Thể Bán Thanh Lý Tái Cơ Cấu Cổ Phần Hàng Không Bảo Vệ Lợi Ích Quốc Gia Cổ Phiếu Thai Airways Hãng Bay Hãng Bay Giá Rẻ