Chỉ trong vỏn vẹn 3 năm, số người ở độ tuổi 18-30 tại Trung Quốc sụt giảm tới 30 triệu. Đại họa "sóng thần bạc" (già hóa dân số) đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Nikkei Asian Review, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tình trạng dân số ngày càng già đi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng nước này.
GDP Trung Quốc tăng 6,1% trong năm 2019, mức yếu nhất trong 29 năm qua. trong khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm. Ảnh hưởng của tình trạng già hoá dân số sẽ trở nên rõ ràng hơn từ năm 2022-2023, khi thế hệ "Baby Boomer" (sinh năm 1946-1964) bắt đầu nghỉ hưu.
"Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đã vượt mốc 10.000 USD", một quan chức chính phủ Trung Quốc khẳng định trong cuộc họp báo ngày 17/1.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ năm 2018. Tiêu dùng trong nước yếu ớt, chỉ đóng góp 3,5% điểm trong tăng trưởng kinh tế. Đây là mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Sự sụt giảm của ngành công nghiệp điện thoại di động cho thấy rõ tình trạng "mất dần sức sống" của thị trường 1,4 tỷ dân. Theo thống kê, số lượng smartphone được giao tại Trung Quốc giảm tới 170 triệu chiếc xuống chỉ còn 389 triệu chiếc trong năm 2019.
Cũng trong quãng thời gian đó, số người Trung Quốc độ tuổi 18-30 tuổi sụt giảm tới 30 triệu. Số người sinh năm 1999 chỉ ở mức 14 triệu, bằng một nửa số người sinh năm 1990.
Vào năm 2019, chỉ có 14,65 triệu trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc, giảm tới 580.000 so với năm 2018. Tỷ lệ sinh chỉ dao động ở mức 1,2% trong giai đoạn 2012-2016. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dự kiến sẽ giảm khoảng 40% vào năm 2025.
Trong năm 2010, cứ 4 người Trung Quốc thì có 3 trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động của quốc gia này ngày càng giảm sút, gây áp lực lên nền kinh tế.
Nhà kinh tế Li Xunlei thuộc Zhongtai Securities nhận định các vấn đề dân số sẽ gây áp lực lớn lên nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2023. Đó là thời điểm 27 triệu người sinh năm 1963 đến tuổi về hưu. Từ năm 2022, số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 10 triệu mỗi năm.
Vấn đề là Trung Quốc đang trở nên già cỗi khi chưa kịp giàu có. Ngay cả khi số người lao động Trung Quốc đạt ngưỡng 1 tỷ năm 2013, GDP bình quân đầu người của nước này vẫn chưa bằng 1/7 so với Mỹ.
Dân số già đồng nghĩa với chi phí chăm sóc sức khỏe và hưu trí sẽ tăng vọt. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo các quỹ hưu trí nhà nước sẽ cạn vào năm 2035.