Phát biểu trên vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho biết tại Hội thảo “Thảo luận về các văn bản và khuyến nghị chính sách của Nhóm đối tác phát triển (DPG) đóng góp cho xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 của Việt Nam” do Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tổ chức đã diễn ra ngày 6/12. .
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội, trong đó Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, Tổ Biên tập cùng các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo và trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11 cho ý kiến bước đầu về Dự thảo, trình Đại hội XIII và giao các Tiểu ban tiếp tục, nghiên cứu, hoàn thiện các Báo cáo.
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội giao Tổ Biên tập về việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học quốc tế và trong nước để tiếp tục hoàn thiện các Dự thảo một cách tốt nhất.
Đại diện cho nhóm các tổ chức quốc tế là JICA, UNICEF, IMF, WB và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đã đóng góp các khuyến nghị về tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng thời kỳ 2021-2030.
Đại diện ADB chỉ rõ đặc điểm của Việt Nam là khu vực ngân hàng là chủ đạo, vẫn là nhà cung cấp vốn chủ yếu. Do đó, để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh chủ yếu dựa phải dựa vào một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn bất cập tồn tại cản trở sự phát triển của hệ thống ngân hàng, chẳng hạn như cơ cấu pháp lý, quy định và thể chế hiện hành của hệ thống ngân hàng không theo kịp được với mức độ phát triển kinh tế và tăng trưởng của hệ thống ngân hàng.
“Việc quản lý chính sách tiền tệ của NHNN đã tạo ra nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Việt Nam trở nên hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, thì điều ngày cảng trở nên quan trọng hơn là NHNN cần có sự độc lập lớn hơn. Vì vậy phải tăng tính độc lập cho NHNN, phải để nhà đầu tư nhìn thấy NHNN độc lập”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Ông Sidgwick cũng đề xuất cần tăng năng lực của cơ quan quản lý nhà nước bởi năng lực quản lý là rất quan trọng để quản lý một khu vực tài chính phát triển nhanh chóng, đồng thời tăng cường giám sát khu vực tài chính. “Để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của khu vực tài chính, Việt Nam phải tiến tới giám sát an toàn dựa trên rủi ro và tránh giám sát dựa trên tuân thủ, tập trung vào sự tuân thủ pháp luật và quy định”, đại diện ADB khuyến nghị.
Bên cạnh đó, các đóng góp về nhiều vấn đề khác cũng được các nhóm đối tác đưa ra như tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước ở Việt Nam, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nguồn vốn con người với các khuyến nghị rất cụ thể cũng đã được nêu lên.
Theo đại diện UNDP, Việt Nam đã khởi xướng nhiều cải cách quan trọng để xây dựng một nhà nước hiệu quả hơn. Những cải cách này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển nhanh chóng, thu hút khu vực tư nhân, hiện đại hóa nền hành chính và dịch vụ công, với cam kết chính trị mạnh mẽ không để ai bị bỏ lại phía sau và đã được các đối tác phát triển ghi nhận.
Tuy nhiên, các khuyến nghị cũng chỉ ra rằng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước bằng cách tăng cường sự tham gia, minh bạch và trách nhiệm, do đó, quản trị tiên lượng là rất quan trọng để giải quyết hiệu quả những thách thức này.
Cũng theo khuyến nghị của UNDP, để thoát bẫy thu nhập trung bình, bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao thì việc hoàn thiện thể chế là yêu cầu tiên quyết. “Dù đạt mức tăng trưởng cao 7%-8% mà thể chế không phù hợp thì cũng khó có thể thoát bẫy thu nhập trung bình”, đại diện UNDP nhấn mạnh.
Văn phòng Tổ Biên tập cũng cho biết, đến nay, đã nhận được 8 nhóm ý kiến của các đối tác DPG và UNICEF liên quan đến các nhóm vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; Phát triển bền vững (bao gồm cả biến đổi khí hậu); Các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn; Tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng; Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; Nguồn vốn con người và phát triển xã hội; Tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước và các vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ Biên tập, các ý kiến đã bổ sung thêm nhiều kiến thức, vấn đề mới liên quan đến xu thế hiện nay của quốc tế. Các đánh giá, khuyến nghị bám sát với tình hình thực tiễn của Việt Nam, có ý nghĩa và thiết thực cho việc xây dựng Chiến lược.
Chia sẻ tại tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, qua hơn 30 năm đổi mới, tầm vóc và vị thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít các thành thức mà Việt Nam phải đối mặt như tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các xu thế bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại, phân chia cấu trúc về sản xuất, thị trường, khoảng cách thu nhập giữa các vùng miền còn cao, tình trạng biến đổi khí hậu, tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các đột phá chưa đạt được như kỳ vọng…
“Việt Nam ý thức được rằng, trước mắt có rất nhiều thách thức và cơ hội. Nhưng, đâu là cơ hội của Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để thực hiện các cơ hội và vượt qua được các thách thức, khó khăn” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được tham vấn của các chuyên gia, đối tác quốc tế.
Ngoài ra, một vấn đề mà Bộ trường cũng lưu ý là trên thực tế, Việt Nam đã có các chính sách, thể chế đối với các kiến nghị được các đối tác đưa ra, nhưng quan trọng nhất vẫn là thực thi, áp dụng trong thực tiễn, do đó cần chỉ rõ Việt Nam đang ở đâu và điểm nghẽn của Việt Nam là gì, các vấn đề thể chế, con người, huy động nguồn lực phải giải quyết ra sao để tạo nên sự tăng trưởng nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo hài hòa, bền vững.
Hiếu Minh