Trước đó ngày 14/4, trả lời báo Dân Trí, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết đơn vị này mới chỉ ký hợp đồng mua hơn 7.700 tấn gạo (chiếm 4%) trong nhiệm vụ mua 190.000 dự trữ tấn gạo được Thủ tướng giao.
Nguyên nhân khiến việc chỉ ký hợp đồng được 4% là do các doanh nghiệp trúng thầu bỏ hợp đồng giao gạo.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao.
Mặt khác trong những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đi các nước: Philippines, Malaysia, Trung Quốc... tăng mạnh, dẫn đến thị trường giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động (nhất là đối với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia), giá gạo liên tục tăng kể từ thời điểm các nhà thầu tham dự thầu (ngày 12/3/2020) so với thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu (trong thời điểm từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.
"Việc tổ chức triển khai đấu thầu bảo đảm tuân thủ theo đúng thời gian, quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu", Tổng cục Dự trữ Nhà nước cam kết.
Cơ quan này cũng dự kiến trong tháng 5/2020 sẽ hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ; dự kiến thời gian kết thúc nhập kho trong tháng 6/2020.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cam kết: "Sẽ tổ chức triển khai thực hiện để phấn đấu mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật dự trữ quốc gia và Pháp luật có liên quan", Báo cáo nêu.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, thậm chí có địa chỉ kinh doanh tại ngõ, ngách, thôn bản đã trúng hợp đồng cung cấp hàng nghìn tấn gạo cho Cục dự trữ Nhà nước Hải Hưng và Nam Tây Nguyên. Thậm chí có doanh nghiệp này đấu thầu nhiều nơi và đồng loạt hủy hợp đồng khiến cơ quan dự trữ không mua được gạo như quy định.
Sáng ngày 15/4, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông tin có 4 doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho Tổng cục dự trữ nhưng bỏ ký hợp đồng. Đáng nói, các doanh nghiệp này có tên trong tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo ra nước ngoài. Các cơ quan chức năng đang tiến hành các bước xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
An Linh