Thanh toán điện tử “lệch pha” với thương mại điện tử

Thanh toán điện tử “lệch pha” với thương mại điện tử
Số liệu của WB cho thấy, có 90% người tiêu dùng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

10% người trả tiền trực tuyến để mua hàng qua Internet!

Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với tiêu đề “Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung” của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, dự báo thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ phát triển nhanh chóng.

Theo ước tính, thị trường thương mại điện tử khu vực này tăng từ 23,2 tỷ USD (tổng giá trị hàng hóa) trong năm 2018 lên 102 tỷ USD vào năm 2025.

Top 3 công ty lớn nhất trong khu vực là Lazada, Shopee và Tokopedia đã tăng trưởng với hệ số 7 trong giai đoạn 2015 - 2018, trong khi 7 công ty tiếp theo tăng gấp đôi trong cùng thời gian.

Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực, sau Indonesia (12,2 tỷ USD năm 2018) và Thái Lan (3,0 tỷ USD năm 2018) và sẽ còn phát triển hơn nữa.

Quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 0,4 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD năm 2018.

Các nhân tố chính cho sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam được cho là: dân số tương đối lớn với 92 triệu người, tầng lớp người tiêu dùng mới nổi chiếm 70% dân số và tăng nhanh, nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,9% trong 10 năm qua.

Mặc dù số liệu 2019 chưa được cập nhật, nhưng một khảo sát về sự phát triển doanh nghiệp thương mại điện tử của WB cho thấy, các thương nhân tham gia vào thương mại điện tử có trụ sở tại Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ; 40% trong số đó sử dụng 10 lao động trở xuống và 75% có ít hơn 250 nhân viên.

Điều này phù hợp với bối cảnh chung của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong khi số lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng lên kể từ năm 2000, quy mô trung bình của các công ty (theo số lượng nhân viên) đã giảm xuống còn khoảng 15 nhân viên.

“Sự tăng tốc của thương mại điện tử được tạo thuận lợi bởi sự gia tăng của thị trường nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng tới người tiêu dùng bằng cách cung cấp các nền tảng có thể mở rộng, dễ tiếp cận, nơi các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ đều có thể giao dịch trực tuyến và tiếp cận tới người dùng mới.

Hầu hết các thương nhân thương mại điện tử Việt Nam đều kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, điện tử và quần áo/giày dép...”, báo cáo của WB cho biết.

Theo WB, một số lĩnh vực tham gia hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam có điều kiện thị trường và trình độ phát triển không đồng đều.

Để tạo điều kiện cho một số lượng lớn các công ty thương mại điện tử quy mô nhỏ cung cấp hàng hóa và dịch vụ kịp thời, tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho khách hàng, cần có một hệ sinh thái thương mại điện tử hoạt động tốt được hình thành từ những đối tác trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nhau.

Các lĩnh vực quan trọng nhất trong hệ sinh thái bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ logistics và nền tảng thanh toán.

Một số yếu tố xác định mức độ phát triển và điều kiện thị trường hiện tại, bao gồm nhu cầu thị trường, rào cản gia nhập, hạn chế về quy định và khả năng tài chính.

Ví dụ, trong các dịch vụ tài chính và nền tảng thanh toán, số lượng thanh toán sử dụng tiền mặt không qua ngân hàng rất nhiều, dẫn đến những đối tác mới tham gia vào hệ sinh thái như Ví MoMo, một ứng dụng thanh toán và ví di động.

“Hiệu suất của Việt Nam về mặt thúc đẩy nền kinh tế số tương đương với các nước ở Đông Nam Á, ngoại trừ thanh toán”, WB cho biết.

Cụ thể, về kết nối số, 82% dân số tại Việt Nam có thể truy cập Internet tốc độ cao, trong khi chỉ có 12% sử dụng băng thông rộng cố định (hầu hết người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng sử dụng băng thông rộng di động).

Trong khi đó, về thanh toán, chỉ có 10% người dùng trả tiền trực tuyến để mua hàng trên Internet, mức này thấp hơn đáng kể so với Indonesia và Malaysia. Có nghĩa rằng, 90% người tiêu dùng thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tiền mặt để mua trực tuyến.

Trong số này, 51% doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sử dụng thanh toán số, đó là mức trung bình của Đông Nam Á.

Cần hoàn thiện khung pháp lý cho tổ chức trung gian thanh toán

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư có nhu cầu thành lập một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam gặp phải một số rào cản như không có hướng dẫn về các thủ tục pháp lý và giấy phép, mà phải dựa vào sự tự do quyết định từ phía chính quyền.

Việc Chính phủ hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty công nghệ tài chính sẽ làm hạn chế sự phát triển bền vững của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Hiệp hội này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và bổ sung khung pháp lý trong lĩnh vực Fintech.

Còn đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), bà Amanda Rasmussen, chia sẻ mong đợi được hợp tác với các nhà lãnh đạo Việt Nam, vì việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số mở và tự do giúp đạt được mục tiêu của nền kinh tế và các doanh nghiệp của AmCham ở vị thế sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh.

Cũng theo đại diện AmCham, việc thiết lập chính sách phù hợp cho phép sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử khác có thể hỗ trợ làm giảm việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thương mại điện tử hiệu quả hơn, và giảm các tình huống tham nhũng và gian lận.

Gia tăng trình độ kỹ thuật số sẽ giúp cho tất cả người Việt Nam, bao gồm nhiều người trong độ tuổi lao động, tiếp cận và chấp nhận sự đổi mới, qua đó, giúp họ thích nghi được sự thay đổi về kỹ năng và loại công việc cần thiết để hỗ trợ cho cách sống mới và cách thức làm việc mới.

“Sự phát triển của dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định, mà trong đó việc hỗ trợ cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam.

Ví dụ, việc thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu cho sự đổi mới, thành phố thông minh và công nghiệp 4.0.

Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực”, bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.      

Hồng Dung

Tags: Chứng Khoán Thanh Toán Điện Tử Thương Mại Điện Tử Đông Nam Á Hoa Kỳ Logistics Fintech