Thêm điều kiện thuận lợi cho chu kỳ tăng trưởng mới

Thêm điều kiện thuận lợi cho chu kỳ tăng trưởng mới
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, có thể tin tưởng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ đạt hơn 7% như kỳ vọng của các chuyên gia nghiên cứu.

Thêm điều kiện thuận lợi cho chu kỳ tăng trưởng mới. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sự kiện “Diễn đàn Kinh tế 2020 – Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý một số ngành, lĩnh vực, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. 

Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, cơ hội phát triển sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản. Ngoài ra, các lĩnh vực phục vụ tiêu dùng như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế và các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị như dịch vụ hỗ trợ, logistics và công nghiệp hỗ trợ sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư trong giai đoạn tới đây.  

Ông Lộc cũng cho biết, trong những hội nghị quốc tế mà lãnh đạo VCCI đã tham gia gần đây, có thể thấy rằng, với Chính sách hướng Nam mà Chính phủ Hàn Quốc đang chủ trương thì Việt Nam sẽ là quốc gia trọng tâm, thể hiện chính là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc sẽ tiếp tục là nhà đầu tư số 1, dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư nước ngoài. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, có thể tin tưởng vào dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ đạt kỳ vọng của các chuyên gia và cơ quan nghiên cứu. 

"Chắc có lẽ, Việt Nam phải đi thêm một chặng ngắn nữa là vốn hóa thị trường chứng khoán có thể đạt mốc 100% GDP. Tuy nhiên, để đạt mốc này rất cần những tính toán và cân đối lại của các bộ, ngành và cơ quan quản lý của Chính phủ.", ông Lộc nhấn mạnh. 

Bình luận về những diễn biến kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam, ông Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho hay, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo xu hướng giảm tốc của nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong giai đoạn khoảng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. 

Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam thì tác động là chuyện không tránh khỏi. Vì thế, “chúng ta phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới với những diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay tình trạng siết chặt nhập khẩu của Trung Quốc ….cũng như những sức ép khác lên đồng tiền Việt Nam”, ông Sơn khuyến nghị. 

Đại diện phía ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, nhận định, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Vấn đề ban hành và thực thi các quy định pháp luật hiện nay cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Có những nghị định chưa hẳn tốt cho doanh nghiệp mà phải mất tới một năm mới được sửa đổi (như quy định về vay vốn). 

Năm 2020, nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ngày càng giảm đi. Trong khi đó, dự báo sẽ có nhiều nguồn vốn vay từ ngân sách thông qua các quy định, các tổ chức kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa nguồn vốn và sự hỗ trợ của đối tác bên cạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Riêng đối với ngành ngân hàng, để thúc đẩy tính hiệu quả của các nguồn vay tín dụng, kênh vốn từ thi trường cổ phiếu và cho thuê tài chính cũng cần được chú trọng để  khai thác tốt hơn./. 

 

Thạch Huê/Bnews-TTXVN

 

Tags: Tăng Trưởng Kinh Tế Chu Kỳ Tăng Trưởng Chuyên Gia Nghiên Cứu