Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn có nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Để nâng tầm cho những sản phẩm này, nhiều địa phương đang thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, quảng bá nhằm giúp sản phẩm mở rộng thị trường, tăng doanh thu trong thời gian tới.
Xác định việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng là việc làm quan trọng để một sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nên tỉnh Hậu Giang đang từng bước thực hiện cho 10 sản phẩm mũi ngọn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thậm - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang - chia sẻ: bưởi Năm Roi, cam sành, cam đường, xoài, dứa, chanh không hạt, các loại cá nước ngọt, cá thát lát, mãng cầu, mía… là những sản phẩm mũi nhọn được chúng tôi chú trọng đầu tư quảng bá và thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, hồi đầu năm nay hai sản phẩm đầu tiên là mãng cầu, cá thát lát của cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diễm Phượng và Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Như đã được tham gia đề án Quản lý - truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản do Sở Công Thương tỉnh chủ trì. Trong quá trình tham gia đề án, chủ cơ sở sẽ được hỗ trợ 50% chi phí dán tem truy xuất, cập nhật các thông tin liên quan bằng phần mềm quản lý trên máy tính, bổ sung thiết kế logo và hình ảnh sản phẩm, kích hoạt tem QR Code… Mục đích giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, người tiêu dùng có thông tin đầy đủ về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn, nhất là ở những thị trường khó tính.
Tương tự, Sóc Trăng là một tỉnh nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực nên tỉnh này đã mở rộng quy mô truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng công nghệ thông tin để sản phẩm của tỉnh phát triển. Theo đó, qua sự phối hợp giữa các Sở, ngành gồm Công Thương, Nông nghiệp với Trung tâm Kinh doanh VNPT Sóc Trăng, hàng triệu tem truy xuất nguồn gốc đã được phát hành và có 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng cho các sản phẩm như: gạo, mắm cá rô, trà mãng cầu, bánh pía, khô trâu… Sau khi sử dụng hình thức này, nhiều DN, hợp tác xã của Sóc Trăng đã ổn định thị trường, mở rộng quy mô thị trường ra ngoài tỉnh.
Cũng đang thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc cho các nông phẩm như xoài, dưa lưới, cà chua bi… Sở Công Thương An Giang cho biết, đến nay, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều DN, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất, do Sở Công Thương quản lý và vận hành.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như - cho hay, do người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nên hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc, chủ động nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất mới đưa ra thị trường. Nhờ thực hiện tốt những hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm của Hợp tác xã Kỳ Như đã được tiêu thụ rộng rãi trên nhiều tỉnh, thành phố của cả nước tại các siêu thị lớn như Tứ Sơn, VinMart, Lotte Mart…
Nhiều tổ hợp tác khác thì khẳng định, trong bối cảnh siết chặt xuất tiểu ngạch, chú trọng chất lượng thì việc sản xuất an toàn là hết sức cần thiết để giúp sản phẩm có đầu ra ổn định. Từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu DN, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Cùng với dán tem truy xuất, tạo đầu ra bằng quảng bá, xúc tiến thương mại cũng là giải pháp được các địa phương trong vùng ĐBSCL chú trọng trong năm 2020. Cụ thể, thông qua các hội chợ kết nối cung - cầu ở TP. Hồ Chí Minh và hội chợ quảng bá hàng Việt tại các địa phương trên cả nước các tỉnh ĐBSCL mang nông sản giới thiệu, tìm nhà phân phối. Ngoài ra, Sở Công Thương các tỉnh đang kết nối với Tham tán thương mại ở nước ngoài để tìm đối tác có nhu cầu, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang dự kiến tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam kết nối cung cầu “Người Việt - Hàng Việt” vào tháng 11/2020; Kiên Giang dự kiến đưa DN trong tỉnh tham gia Hội chợ thương mại Việt Nam 2020 tại Campuchia vào tháng 11/2020….
Theo các đơn vị kinh doanh, phân phối, kể từ khi có dịch bệnh thì người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm thiết yếu, nhất là với nông sản như rau củ, trái cây. Đơn cử tại Saigon Co.op, những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được bao gói bắt mắt luôn là lựa chọn đầu tiên của các bà nội trợ. Chính vì thế, Saigon Co.op đang thực hiện chặt chẽ việc hợp tác cùng các địa phương ở ĐBSCL trong thu mua nông sản và Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang… là những địa phương có số lượng lớn được nhà bán lẻ này thu mua.