Cần minh bạch hóa thông tin mạnh hơn
Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thiếu hụt nguồn thông tin về thị trường BĐS là một trong những hạn chế lớn nhất của thị trường trong năm 2019. Trong năm 2019 đã chứng kiến nhiều đợt mua bán, sáp nhập lớn (M&A) trong lĩnh vực BĐS, cùng với cuộc “chạy đua” của các DN về thu hút vốn đầu tư.
Minh bạch thông tin đang được xem là xu hướng toàn cầu hóa, được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia nơi có thị trường BĐS phát triển. Theo Báo cáo minh bạch năm 2018 của Công ty Dịch vụ BĐS JLL, được khảo sát từ 100 thị trường BĐS trên toàn thế giới. Việt Nam được xếp hạng thứ 61 và vẫn thuộc nhóm “kém minh bạch”.
“Việc thiếu hụt thông tin về thị trường BĐS đã khiến cho hàng loạt các dự án không đáp ứng được yêu cầu về pháp lý được rao bán công khai trên thị trường, đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển chung và mang đến rủi ro cho người dân. Sự vụ của Công ty Alibaba là minh chứng cho vấn đề này, đã được đưa ra ánh sáng, nhưng theo tôi vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp khác tương tự như Alibaba nhưng chưa bị xử lý” – ông Đính nhìn nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc minh bạch thông tin là vấn đè hết sức quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các thương vụ M&A ngày càng lớn mạnh trên thị trường BĐS của Việt Nam. Minh bạch thông tin đã trở thành xu thế toàn cầu hóa, mang lại sự cạnh tranh lành mạnh, giúp mở rộng quá trình thu hút vốn đầu tư và giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh BĐS.
Tín hiệu tích cực
Mặc dù trải qua năm 2019 với nhiều khó khăn, nhưng thị trường BĐS vẫn đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sự tăng trưởng về nguồn vốn, được xem là nền tảng để thị trường được khôi phục trong năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong năm 2019 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, riêng lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 10,2% tổng lượng vốn; Lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước. Trong đó, hơn 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS. Đây được xem là những kênh vốn phái sinh vô cùng quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn vay kinh doanh BĐS từ hệ thống ngân hàng được điều chỉnh giảm theo Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, mặc dù thị trường BĐS năm 2019 đã chứng kiến sự giảm sút mạnh mẽ cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Nhưng một số sản phẩm được chào bán lần đầu tư thị trường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, TP khác vẫn phát triển và có giao dịch tốt và nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn.
“Việt Nam đang là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đa phần là dân số trẻ nên có nhu cầu lớn về nhà ở. Các hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, cao nhất từ trước đến nay; Cùng với đó là việc nhà nước chú trọng đầu tư mới cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối giữa các vùng... là những tín hiệu vô cùng khả quan cho thị trường BĐS phát triển trong thời gian tới” – ông Đính nhận định.
Thị trường BĐS năm 2020 vẫn có nhiều triển vọng phục hồi trở lại, do tốc độ tăng trưởng GDP đang ở mức cao (năm 2019 đạt 7,2%), đây là năm thứ hai liên tiếp đạt đà tăng trưởng trên 7%. Các kênh vốn phát triển đa dạng, vấn đề lo ngại nhất đó là câu chuyện về hệ thống pháp lý, đặc biệt là đối với các sản phẩm BĐS du lịch; việc kiểm tra, rà soát lại các dự án cũng cần thực hiện nhanh để thị trường sớm ổn định trở lại. Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) – TS Đoàn Văn Cương |