Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây, thị trường hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của hàng loạt hãng bay như Indochina Airlines, Mekong Air, Trai Thien Air Cargo, Blue Sky Air…
Hãng Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup cũng vừa chính thức “hạ cánh” khi hãng hàng không của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa thực hiện được chuyến bay đầu tiên dự kiến vào tháng 7 năm nay.
Sự ra đi của Vinpearl Air cho thấy đầu tư vào ngành hàng không không hề dễ dàng, mặc dù nhà đầu tư có tiềm lực tài chính cao. Cái “chết yểu” của nhiều hãng bay trong quá khứ đã nhiều lần chứng minh cho thực tế này.
Có hãng đã bay thương mại được 1 đến hơn 2 năm điển hình như là Indochina Airlines, Mekong Air. Có hãng đã được cấp phép song lại im lìm, không thấy có bất cứ hoạt động nào như Trai Thien Air Cargo. Gần đây, tên tuổi của hãng Blue Sky Air không được ai nhắc đến.
Bên cạnh đó, hãng Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam cũng từng gặp nhiều khó khăn do nợ nần, thua lỗ tới hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2012, hãng “về một nhà” với Vietnam Airlines, tái cơ cấu đã dần thoát lỗ và bắt đầu có lãi.
Theo các nhà phân tích, hạ tầng không theo kịp sự phát triển, nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng, cạnh tranh giữa các hãng hàng không là những nguyên nhân chính khiến các hãng buộc phải dừng cuộc chơi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng yếu tố con người là vấn đề then chốt. Hiện tại, ngành hàng không đang thiếu nhân lực trầm trọng.
Ngành hàng không dân dụng đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Một số doanh nghiệp cũng phát triển quá nhanh, đặc biệt là phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực. Điều này đã dẫn đến khủng hoảng về nguồn nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
"Miếng bánh ngon"
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, có thể trở thành thị trường lớn thứ 15 trên thế giới vào năm 2035. Theo đà tăng trưởng này, năm 2025, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam có thể đạt 185 triệu lượt. Chính về thế, thị trường hàng không Việt Nam là "miếng bánh" béo bở với nhiều nhà đầu tư.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác thị phần của 5 hãng hàng không nội địa và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài.
Tính đến từ cuối năm 2018 đến nay, ngành hàng không liên tục ghi nhận nhiều tân binh mới, như: Bamboo Airways cất cánh vào đầu tháng 1/2019, Vietravel Airlines, Vinpearl Air cũng đang chuẩn bị để cất cánh. Như vậy, tính đến hết năm 2020, nếu đi đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng cho biết: Hàng không Việt Nam tăng trưởng rất cao, 10 năm qua mức tăng trưởng luôn duy trì từ 15-17%, hiện dư địa để phát triển hàng không vẫn còn.
Còn theo đánh giá của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thì, thị trường hàng không mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều yếu tố kinh doanh tốt. Tham gia thị trường nào đều có thách thức, không chỉ riêng lĩnh vực hàng không.
Về ý kiến đánh giá thị trường hàng không Việt Nam hiện nay khá “béo bở”, ông Thắng cho rằng, điều này còn phụ thuộc và khả năng khai thác của từng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có đủ năng lực khai phá thì là tốt và ngược lại. Cho nên, hiện mặc dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt trong lĩnh vực này những cũng có một số doanh nghiệp phải sớm "dừng cuộc chơi".
Trang Lê