Dầu vững
Giá dầu vững trong phiên giao dịch cuối tuần giữa bối cảnh số liệu kinh tế Trung Quốc trì trệ gây lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu nhưng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lại tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 23 US cent lên 64,85 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2 US cent lên 58,54 USD/thùng.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – năm 2019 chỉ đạt 6,1%, thấp nhất trong vòng 29 năm.
Mặc dù vậy, nhu cầu dầu Trung Quốc vẫn tăng. Trong năm 2019, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tinh lọc kỷ lục 651,98 triệu tấn dầu thô, tương đương 13,04 triệu thùng/ngày, tăng 7,6% so với năm 2018, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc.
Về triển vọng thị trường dầu mỏ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định sản lượng từ các nước sản xuất ngoài OPEC sẽ tăng, dẫn đầu là Mỹ, kéo theo lượng tồn trữ trên toàn cầu tiếp tục dồi dào. Theo đó, "Sản lượng của các nước ngoài OPEC đang tăng mạnh, trong khi tồn trữ của OECD ở mức 9 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm". Tuy nhiên, những cú ‘sốc’ chính trị như căng thẳng Mỹ - Iran sẽ khiến thị trường dầu mỏ duy trì ở mức cân bằng.
IEA dự báo sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ vượt nhu cầu, mặc dù các thành viên trong khối tuân thủ cam kết kiềm chế sản lượng cùng với các đồng minh ngoài khối (trong đó có Nga). Ước tính sản lượng dầu thô của OPEC tháng 1/2020 sẽ ở mức 29,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 700.000 thùng/ngày so với nhu cầu dự kiến.
Vàng tăng, palađi vượt 2.500 USD/ounce
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu gia tăng bởi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế, chính trị và địa chính trị trên toàn cầu. Vàng là kênh ‘trú ẩn’ an toàn nên thường được nhà đầu tư lựa chọn mỗi khi có tâm lý bất an.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.560,43 USD/ounce, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn giảm lần đầu tiên trong vòng 6 tuần. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,6% lên 1.560,3 USD/ounce trong phiên này.
Chứng khoán toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế gây thất vọng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng vẫn lo ngại về sự mong manh của thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ông George Gero, nhà quản lý của Wealth Management, khoảng giá vàng trong ngắn hạn sẽ từ 1.550 đến 1.580 USD/ounce.
Về các kim loại quý khác, giá palađi có thời điểm tăng 9% trong phiên vừa qua để vượt 2.500 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử. Nguyên nhân do tình trạng thiếu cung triền miên của kim loại này, và kỳ vọng kinh tế toàn cầu có thể đã qua cơn bĩ cực.
Palađi giao ngay tăng 6,9% lên 2.472,8 USD/ounce vào cuối phiên vừa qua, sau khi có lúc đạt 2.500 USD/ounce (lúc đầu phiên) và chạm mức cao kỷ lục 2.537,06 USD/ounce. Tính chung cả tuần, palađi tăng 16%.
Bạch kim và bạc cũng đồng loạt tăng trong phiên này. Cụ thể, bạch kim thêm 1,8% đạt 1.022,44 USD/ounce, song vẫn giảm tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần; bạc tăng 0,7% lên 18,07 USD/ounce.
Đồng duy trì cao nhất gần 8 tháng
Giá đồng duy trì quanh mức cao nhất gần 8 tháng do dự đoán nhu cầu đồng của Trung Quốc sẽ tăng vượt trội so với số liệu kinh tế, và kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London phiên vừa qua vững ở mức 6.273 USD/tấn. Kể từ tháng 10/2019 tới nay, giá đồng đã tăng trên 10%.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 12/2019 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng mạnh nhất trong vòng 9 tháng và vượt xa dự đoán là 5,9%; trong khi bán lẻ tăng 8%. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,4% trong năm 2019, nhưng mức tăng trong mùa thu giảm xuống rất thấp.
Sắt, thép, than đá tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần sau khi hãng Vale SA của Brazil tạm dừng hoạt động mỏ quặng Esperança ở Chile và hãng Rio Tino – liên doanh giữa Anh và Australia - thông báo xuất khẩu trong cả năm vừa qua đã sụt giảm.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 0,7% đạt 668,5 CNY/tấn, tính chung cả tuần tăng 1,4%. Quặng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc phiên 16/1 giảm 0,3% xuống 96,2 USD/tấn.
Mỏ Esperança có thể sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn quặng mỗi năm nhưng hiện không an toàn để tiếp tục khai thác. Xuất khẩu quặng của Rio Tinto trong năm 2019 giảm 3% do hoạt động khai thác bị gián đoạn vì lốc xoáy và cháy ở cảng.
Đối với thép, giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao nhất 1 tuần và bổ sung 1% trong một tuần qua, lên 3.592 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng cũng tăng lên mức cao nhất 1 tuần sau khi thêm 0,95%, đạt 3.628 CNY/tấn. Riêng thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 0,3% xuống 14.110 CNY/tấn.
Đối với mặt hàng than, than luyện cốc trên sàn giao dịch Đại Liên tăng 0,25% lên 1.224,5 CNY/tấn, trong khi than cốc tăng 0,65% lên 1.871 CNY/tấn.
Than và quặng sắt là nguyên liệu sản xuất thép nên giá thường bám sát giá thép. Trung Quốc đã sản xuất 84,27 triệu tấn thép thô trong tháng 12/2019, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm, sản lượng đạt kỷ lục 996,34 triệu tấn.
Cacao đạt ‘đỉnh’ 1,5 năm
Giá cacao đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm rưỡi do hoạt động mua mang tính kỹ thuật và lo ngại về triển vọng vụ mùa của niên vụ này.
Cacao kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York tăng 3,1% hay 85 USD lên 2.797 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 là 2.808 USD/tấn; tính chung cả tuần giá tăng 8,1%. Trên sàn London, hợp đồng giao cùng kỳ hạn tăng 52 GBP, hay 2,7%, lên 2.000 GBP/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2019; tính chung cả tuần tăng 6,5%.
Các nhà giao dịch lo ngại về thời tiết khô hạn ở Bờ Biển Ngà, điều này át đi yếu tố nhu cầu kém ở Mỹ và Châu Âu. Dự báo nhu cầu cacao ở Châu Á tăng mạnh càng thúc đẩy giá đi lên.
Lượng cacao xay nghiền ở Châu Âu – thể hiện nhu cầu – giảm 1,1% trong quý 4/2019 so với cùng kỳ năm trước đó, chỉ đạt 355.201 tấn. Tuy nhiên, xay nghiền cacao ở Châu Á lại tăng 8,67% đạt kỷ lục 227.013 tấn, đưa tổng lượng xay nghiền trong cả năm 2019 tăng 12,21% lên 876.331 tấn.
Đường cao nhất 2 năm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York đã tăng 0,1% (2%) trong phiên vừa qua, đạt 14,45 US cent/lb lúc kết thúc phiên giao dịch; phiên trước đó giá có thời điểm đạt mức cao kỷ lục 2 năm là 14,58 US cent. Tính chung cả tuần, giá tăng 2,7%. Đường trắng cũng đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,1%, tương đương 0,5 USD, lên 395,1 USD/tấn; phiên liền trước giá cũng có lúc đạt mức cao nhất 2 năm, là 401,7 USD/tấn.
Ấn Độ đã sản xuất 10,9 triệu tấn đường trong giai đoạn 1/10/2019 – 15/1/2020; giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, do bang Maharashtra bị khô hạn.
Các nhà phân tích đã nâng mức dự báo về thiếu hụt đường niên vụ 2019/20, mặc dù giá tăng cao như hiện nay có thể thúc đẩy Ấn Độ xuất khẩu lượng đường dư thừa đang trữ trong kho ra thế giới, và các nhà máy đường Brazil có thể tăng tỷ lệ mía sản xuất đường.
Ngô, lúa mì và đậu tương tăng
Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Chicago tăng mạnh 3,7% trong phiên vừa qua do hoạt động mua bù diễn ra mạnh mẽ và dự báo nhu cầu xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng lên. Đậu tương và lúa mì cũng theo xu hướng này.
Ngô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 13-3/4 US cent – nhiều nhất kể từ tháng 10/2019 – lên 3,89-1/4 USD/bushel. Phiên liền trước đó, giá ngô đã giảm mạnh 3,1%.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 kết thúc phiên vừa qua tăng 5-1/4 US cent lên 5,70-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 5-3/4 US cent lên 9,29-3/4 USD/bushel.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giảm 0,7% trong phiên vừa qua, tương đương 0,8 US cent, xuống 1,1215 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 1,1135 USD, thấp nhất 2 tháng. Tính chung cả tuần, giá giảm 5,7%. Robusa trái lại tăng 0,4% trong phiên vừa qua, tương đương 5 USD, lên 1.319 USD/tấn.
Sản lượng cà phê Brazil dự báo sẽ cao kỷ lục do diện tích trồng cà phê của nước này tăng lần đầu tiên kể từ 2012.
Dầu cọ trải qua tuần giảm nhiều nhất 11 năm
Phiên kết thúc tuần, giá dầu cọ Malaysia giảm 1,5% để nâng mức giảm trong cả tuần lên nhiều nhất hơn 11 năm. Lý do bởi Ấn Độ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện và Malaysia nâng thuế xuất khẩu dầu cọ.
Cụ thể, kết thúc phiên vừa qua, dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) – tham chiếu cho toàn thị trường dầu cọ thế giới – giảm 43 ringgit (1,5%) xuống 2.834 ringgit (701,63 USD), mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Tính chung cả tuần, giá giảm 9,2%, nhiều nhất kể từ tháng 10 /2008.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới. Tuần qua, nước này đã hạn chế nhập khẩu dầu cọ tinh chế từ Malaysia sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ trích luật công dân mới của Ấn là xâm hại quyền của những người theo đạo Hồi ở quốc gia này.
Nhập khẩu dầu cọ vào Ấn Độ năm 2019/20 có thể giảm 11% do mối quan hệ 2 bên bị rạn nứt và do giá dầu cọ tăng.
Trong khi đó, Malaysia – nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – đã quyết định tăng thuế xuất khẩu dầu cọ thô lên 6%, áp dụng cho tháng 2/2020. Nhu cầu diesel sinh học của Malaysia và Indonesia tăng cao đang khiến nguồn cung dầu cọ thắt chặt dần, đẩy giá tăng lên. Trong khi đó, sản lượng dầu cọ của Malaysia nửa đầu năm 2019 giảm do thời tiết khô hạn, và nông dân giảm đầu tư phân bón cho cây cọ trong năm vừa qua, khiến năng suất cọ càng bị hạn chế.
Nhà phân tích ngành dầu thực vật, James Fry, dự báo giá dầu cọ có thể tăng lên 3.300 ringgit/tấn trong 6 tháng đầu năm 2020, làm giảm sức cạnh tranh của loại dầu này.
Cao su giảm
Giá cao su đồng loạt giảm trên cả 2 thị trường Tokyo và Thượng Hải.
Cao su kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,8 JPY (0,0073 USD) xuống 206,2 JPY/kg, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 95 CNY (13,86 USD) xuống 13.075 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng 18/1
Minh Quân