Đội tàu của Vinalines có tuổi đời già, manh mún về chủng loại và cạnh tranh gay gắt từ các đội tàu tư nhân. (Nguồn ảnh: Vinalines)
Ngành vận tải biển thể giới vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn hơn một thập niên, đội tàu biển Việt Nam cũng không tránh khỏi thua lỗ, kém hiệu quả. Trong bối cảnh này, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tập trung thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp vận tải biển và dịch vụ hàng hải, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác cảng
Cảng biển bù lỗ cho vận tải biển
Theo báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines, năm 2019 sản lượng hàng thông qua cảng đạt 106,2 triệu tấn, vượt 6,3% so với kế hoạch, tăng 12,9% so với 2018; sản lượng vận tải biển đạt 23 triệu tấn vượt 15,6% so với kế hoạch, giảm 13,8% so với năm 2018.
Kết thúc năm nay, doanh thu hợp nhất của Vinalines đạt 12.069 tỷ đồng (vượt 6% so với kế hoạch), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ khối cảng biển 1.118 tỷ đồng, khối vận tải biển lỗ tới 496 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải 47 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines, trong năm 2019, hoạt động khai thác cảng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các yếu tố như luồng chưa được nạo vét kịp thời, việc thu hồi, di dời của các cảng lớn như Cảng Hải Phòng, Sài Gòn còn chậm đã ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư, phát triển, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh...
Ngoài ra, lĩnh vực vận tải biển dù đã cắt lỗ nhưng lỗ lũy kế còn lớn do hệ lụy của giai đoạn trước và thị trường suy giảm kéo dài, ngành nghề có hiệu suất lợi nhuận không cao. Các doanh nghiệp vận tải biển vẫn tiếp tục khó khăn khi thị trường nội địa và quốc tế không khả quan so với năm 2018. Đội tàu biển trong nước vẫn tiếp tục gặp khó với hoạt động không hiệu quả, giá cước vận chuyển Bắc-Nam cạnh tranh lớn.
Ông Tĩnh chỉ ra nguyên nhân là do chi phí khấu hao và lãi vay của đội tàu nhìn chung là cao, thị trường vận tải biển suy giảm mạnh, sự phục hồi trong thời gian còn lại chưa có tính bền vững, đồng đều trên các phân khúc tàu, chưa thể đẩy thị trường có sự bứt phá; thị trường nhiên liệu diễn biến thất thường; thị trường container nội địa chịu áp lực cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp tư nhân do có thuận lợi về giá vốn...
Thừa nhận thị trường vận tải biển năm 2020 khó có thể hồi phục mạnh mẽ, vị quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, theo dự báo, thị trường tàu hàng khô tăng trường chậm trong năm 2020 đạt tốc độ 1,3%, thị trường tàu dầu là 0,8% và thị trường tàu container là 2,5%.
“Đội tàu của Vinalines có tỷ lệ tàu già, cũ lớn, tuổi tàu trung bình ngày càng cao (17,7 tuổi) do không có nguồn lực đầu tư mới, trẻ hóa, trang thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu cao. Cơ cấu đội tàu vẫn manh mún về chủng loại, chưa chuyên dụng, chủ yếu là tàu hàng rời trong khi xu hướng thế giới là tàu container. Các đội tàu tư nhân ngày càng lớn mạnh và cạnh tranh gay gắt với đội tàu Tổng công ty,” ông Tĩnh nêu ra những thách thức trong thời gian tới của Vinalines.
Phấn đấu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng
Dự kiến vào quý 1/2020, Vinalines sẽ tiến hành Đại hội cổ đông lần thứ nhất, chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, Vinalines sẽ tiếp tục đẩy nhanh các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng, đổi mới công nghệ bốc xếp các cảng Hải Phòng, Sài Gòn-Hiệp Phước, Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải... với tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm khối cảng biển năm 2020 là hơn 1.235 tỷ đồng.
Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc tổng công ty sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước.
“Công tác tái cơ cấu đội tàu sẽ được tiếp tục thực hiện với kế hoạch tiếp tục thanh lý 15 tàu già để giảm lỗ đồng thời đầu tư các tàu container chuyên dụng, tàu hàng rời dưới hình thức mua hoặc thuê mua. Vinalines cũng sẽ chú trọng việc tìm kiếm các hợp đồng dài hạn như than từ Indonesia, Australia về Việt Nam... tiến tới tham gia các liên minh về vận tải quốc tế nhằm hiện diện là một đơn vị trung chuyển container trong khu vực để cải thiện tình trạng ảm đạm của khối vận tải biển,” ông Tĩnh nói.
Với việc đề ra kế hoạch toàn diện, Vinalines tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu trong năm 2020 đề ra với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khoảng 108,2 triệu tấn (tăng 1,9% so với năm 2019); sản lượng vận tải biển đạt 19,4 triệu tấn; doanh thu hợp nhất đạt khoảng 10.315 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 1.000 tỷ đồng./.
Việt Hùng