Nhóm tác giả đứng tên trong đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ, gồm: TS Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Nano và Năng lượng; TS Hoàng Chí Hiếu, khoa Vật lý; Nguyễn Quang Quân và Hồ Đức Quân, cựu sinh viên lớp Cử nhân khoa học Tài năng Vật lý K58, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS-TS Nguyễn Hoàng Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), sáng chế đề xuất một thiết kế thấu kính được kết nối đơn giản với sợi quang. Thấu kính này có dạng tương tự như thấu kính nhựa sử dụng trong các đèn LED chiếu sáng, khác biệt ở chỗ thay vì tối ưu ánh sáng đi ra từ bóng LED thành các chùm gần song song, thấu kính tối ưu ánh sáng đi vào và chuyển thành các chùm gần song song để được dẫn bằng sợi quang.
Sáng chế cũng đề cập đến phương pháp kết nối đơn giản giữa sợi quang và loại thấu kính có một khe cắm; đồng thời sử dụng các tổ hợp khác nhau của nhiều thấu kính kết nối sợi quang nhằm chế tạo các thiết bị hội tụ ánh sáng mặt trời từ các phương khác nhau để tạo thành chùm sáng tương đối song song ở đầu ra các sợi quang, cho các mục đích truyền dẫn và chiếu sáng tự nhiên.
Thiết bị được đăng ký bảo hộ sáng chế nói trên có thể được lắp đặt trên mái nhà, và nhờ cơ chế hội tụ ánh sáng mặt trời, nó sẽ giúp chiếu sáng ngôi nhà mà không cần sử dụng điện. Đồng thời, với cơ chế truyền dẫn, ánh sáng hội tụ sẽ được đưa đến tất cả các tầng nhà thông qua các thiết bị trong cùng hệ thống.
Theo TS Nguyễn Trần Thuật, tiềm năng ứng dụng của sáng chế tại Việt Nam là rất lớn, các dạng nhà hình ống thông dụng tại Việt Nam được chiếu sáng tự nhiên rất kém. Do đó, đây được coi là giải pháp này tiết kiệm trong việc chiếu sáng cho các công trình xây dựng, đặc biệt là những ngôi nhà ống.
Trước khi đăng ký sáng chế tại Mỹ, nghiên cứu này đã đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam với tên “Thấu kính hội tụ kết nối với sợi quang và thiết bị thu nhận ánh sáng mặt trời sử dụng thấu kính này”, công bố ngày 25.1.2017.
Thu Hằng