Thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp Tết, Bộ Công Thương nhanh chóng lên phương án nhập khẩu

Thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp Tết, Bộ Công Thương nhanh chóng lên phương án nhập khẩu
Dự báo, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên phương án nhập khẩu lượng thịt này nhằm ổn định nguồn cung và giá cả thị trường.

Ảnh: Internet

Sẽ nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thịt lợn
Trước đó, trong cuộc họp với một số Bộ ngành ngày 18/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương tính toán nhu cầu thịt lợn từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung-cầu thịt lợn trong nước. Tại cuộc Đối thoại trực tuyến với chủ đề “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả lợn châu Phi” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/11, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, ngày 20/11, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đại diện Bộ NN&PTNTN, Bộ Công Thương, Tổng cục thống kê đã thống nhất, ước lượng thịt lợn thiếu hụt những tháng cuối năm khoảng 200.000 tấn và kiến nghị Chính phủ cho nhập khẩu lượng thịt như trên để cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm với mục tiêu đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi và người tiêu dùng.

 

Nhập khẩu thịt lợn với mục tiêu đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi và người tiêu dùng

Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt lợn và lợn thịt chính thức vào Việt Nam và việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn về thú y và an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện. Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc nhập khẩu đều phụ thuộc vào sự tính toán của doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung trước, trong và sau Tết.
Về giá cả mặt hàng thịt lợn, vừa qua, báo Thanh niên có đưa tin, giá thịt lợn tại siêu thị Aeon Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh có loại đã lên đến 280.000 đồng/kg, trong khi thịt bò được niêm yết bên cạnh chỉ 260.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nguồn cung thiếu đã tác động giá tiêu dùng. Nơi nào nguồn cung thiếu thì nơi đó sẽ xảy ra tình trạng tăng cục bộ. Tuy nhiên, vềthông tin này, các cơ quan báo chí cần nhìn nhận, đánh giá đúng về tình hình giá cả để đưa thông tin chuẩn xác, tránh đưa thông tin cục bộ làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Sở Công Thương bám sát các doanh nghiệp chế biến, khu giết mổ để kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định thị trường, đảm bảo giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng.
Riêng với công tác điều tiết thị trường, trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong công tác chỉ đạo điều hành thị trường mặt hàng thực phẩm như đường, gạo, thực phẩm. Thực phẩm là ngành hàng quan trọng trong việc bảo đảm đạt chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng, trong đó mặt hàng thịt lợn chiếm phần lớn trong cơ cấu tiêu dùng. Do vậy, sự phát triển bền vững của ngành hàng thịt lợn là vấn đề nhận được sự quan tâm của chính phủ, các bộ ngành.
Dịch tả lợn châu Phi được cho là cơ hội để cơ cấu lại ngành chăn nuôi, thay đổi cơ bản về tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn – một ngành hàng chiếm số lượng lớn trong chăn nuôi. Việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi cũng là chủ trương chung của Đảng và nhà nước từ những năm trước. Với thực tế hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không thể tái đàn, nguồn cung được cung cấp chủ yếu bởi các trạng trại, doanh nghiệp chăn nuôi. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng quy mô là xu thế chung của thế giới nhằm góp phần ổn định thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu ra, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt thị trường thịt lợn
Có ý kiến cho rằng thời gian qua có việc thương lái, một phận thương nhân "găm hàng" để đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, thực tế, việc thương nhân găm hàng mặt hàng thịt lợn là rất khó bởi con lợn không giống như một món hàng để có thể xếp chồng lên nhau chất vào kho được mà cần phải hệ thống chuồng trại, thức ăn để duy trì đàn lợn đồng thời cũng phát sinh nguy cơ về nhiễm dịch bệnh khi vận chuyển, lưu trữ. Nếu găm hàng thịt lợn đông lạnh thì cần phải có hệ thống kho đông lạnh đạt yêu cầu về bảo đảm chất lượng. Nếu có hiện tượng găm hàng thì có chăng có một vài hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ do đã bị thiệt hại nặng nề thời gian trước giữ lại hàng thêm để chờ giá tăng nhằm giảm bớt thiệt hại, khôi phục lại sản xuất.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đao của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các cấp đã thực hiện rất quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động găm hàng, tăng giá, mua bán các sản phẩm thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng lưu thông trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, ngay từ những thời gian đầu, khi dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam đến nay, lực lượng QLTT đã có nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng liên quan tích cực trong công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch, tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện phòng, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh do Lãnh đạo Bộ Công Thương hoặc lãnh đạo Tổng cục QLTT chủ trì. Những biện pháp trên đã góp phần đẩy lùi tình trạng xuất lợn qua biên giới.

Tags: Nhập Khẩu Thịt Heo Giá Thịt Heo Thịt Lợn Nhập Khẩu Thịt Lợn Giá Heo Hơi Tăng